Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 28/12/2024 17:30 (GMT +7)
Vì sao nhiều lễ hội đang bị bóp méo, biến tướng?
Thứ 5, 16/02/2017 | 11:32:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, chính sự biến tướng trong cách hành lễ khiến các lễ hội đang mất đi ý nghĩa.
Mùa lễ hội 2017 mới bắt đầu chưa lâu nhưng toàn cảnh bức tranh về lễ hội năm nay đã có thể hình dung. Đó là việc một nhà sư đứng từ trên cao ném lộc xuống cho du khách ở Chùa Hương, là việc hàng trăm thanh niên tranh cướp phết ở thôn Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ… Những hình ảnh bạo lực, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là đổ máu đã không còn xa lạ ở các lễ hội truyền thống Việt Nam.
Mới đây, trong buổi sơ kết về lễ hội 2017, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, năm nay đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, lễ hội đã được thắt chặt, quản lý.
Thế nhưng, vì sao những biến tướng ở lễ hội vẫn tràn lan và tồn tại?
Theo giáo sư Trần Lâm Biền, các cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ đưa ra những cơ chế lỏng lẻo, để ép buộc người ta làm theo, để cấm đoán người dân mà chưa giúp họ hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của các lễ hội.
“Ngày xưa, nguồn gốc của các lễ hội mang một ý nghĩa khác và việc thực hiện các nghi lễ cũng khác với bây giờ. Tính bạo lực của lễ hội xuất phát từ những người làm công tác hành lễ. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu, cố tình bóp méo, khiến lễ hội bị biến tướng sang một màu sắc khác, mang đậm tính “thương mại”. Nói một cách khác, họ ăn theo lễ hội để trục lợi, kiếm tiền một cách bất chính”, nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng Việt Nam cho biết.
Ông nói thêm: “Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc từng gắn liền với ý nghĩa phản ánh về thủy triều, phục vụ cho việc gieo trồng trong nông nghiệp. Nhưng bây giờ người ta lại gắn với tinh thần thượng võ, mà theo tôi là trá hình tinh thần thượng võ, mang tính kích động. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của nguyên bản lễ hội”.
Giáo sư Trần Lâm Biền viện dẫn đến lễ hội chọi trâu ở một địa phương khác là làng Hiếu Giang, tỉnh Quảng Trị, cạnh sông Bến Hải. “Ở đó cũng có lễ chọi trâu nhưng người ta lựa chọn hình thức là dùng nan tre, làm thành hai cái đầu trâu và cử hai người khỏe mạnh đội lên rồi thực hiện các động tác húc vào nhau tượng trưng. Ý nghĩa của lễ hội là cầu mùa màng, sự sinh sôi, phát triển, mong muốn con người đừng làm hại nhau. Văn hóa chọi trâu đẹp đẽ đã được nâng lên thành giá trị biểu tượng. Hình ảnh hai con trâu húc vào nhau chính là một nghi thức đẹp đẽ, vừa mang nét văn hóa truyền thống vừa mang lại không khí vui tươi mà không gây hại, rất đúng với tinh thần lễ hội văn hóa dân gian”, ông nói.
Theo giáo sư Trần Lâm Biền, việc đốt vàng mã, biến các lễ hội thành nơi ăn thua chẳng khác gì trên “chiếu bạc” chính là sự biến tướng, trục lợi, là hành vi “buôn thần bán thánh”.
“Số đông người dân đều mong muốn biết được ý nghĩa thực sự của nguyên bản lễ hội. Vì thế cần chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ những người thực hiện các nghi thức lễ hội. Nhiều người thực hành nghi lễ hiện nay không hiểu bản chất của lễ hội. Thực tế, không phải lễ hội bị phục dựng quá đà mà chính là việc thực hành nghi thức bị làm quá đà. Điều này cần đến sự quản lý của các cơ quan nhà nước cao nhất”, giáo sư Trần Lâm Biền khẳng định.
Theo giáo sư Biền, người dân không tự làm ra lễ hội mà chỉ là một bộ phận những người hành lễ. “Cần chấn chỉnh từ việc hành lễ đầu tiên, sau đó mới bàn đến vấn đề “cuồng tín” của người dân. Nếu không hiểu được cặn kẽ ý nghĩa các lễ hội thì nên “đình” lại để tìm hiểu rồi mới tiếp tục cho tổ chức”, ông nói.
Bàn về câu chuyện này, giáo sư Ngô Đức Thịnh lại cho rằng ý thức đi lễ của người Việt đang có nhiều vấn đề.
“Sau khi cúng xong, người sống có quyền thụ hưởng, thế nhưng cách thụ hưởng như thế nào cho hợp lý mới là vấn đề. Hiện nay, việc giành, cướp lộc diễn ra ngay khi nghi lễ chưa tiến hành xong. Tôi đi chùa và chứng kiến cảnh tượng một cô gái bị xô ngã sóng soài trên mặt đất. Đó là những hình ảnh đáng buồn ở một lễ hội truyền thống”, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam bày tỏ.
Ông cho rằng, đến lễ hội là đến với tín ngưỡng. “Chúng ta phải đến bằng thái độ nghiêm túc, chỉn chu, hiểu biết và quan trọng nhất là lòng thành. Các cụ ngày xưa có câu: “Lòng thành thắp một nén nhang”. Bây giờ người ta đến với nhiều vật lễ nhưng lòng thành đã giảm đi. Và nguy hiểm là họ nghĩ rằng, càng nhiều vật lễ thì càng chứng tỏ lòng thành và mong muốn mình dâng lên nhiều thì sẽ được nhận lại nhiều. Như thế không đúng với tinh thần của Phật pháp”.
Cũng theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, tư tưởng “trần sao âm vậy” đang chi phối nặng nề người Việt. “Cho nên mới có chuyện họ đốt hương hoa rồi đốt cả tiền đô, iphone, ipad, nhà lầu, xe hơi cho những người đã khuất, cho các thánh thần. Hòm công đức ở nhiều chùa chiền, đền đài cũng quá số lượng. Người người dắt tiền vào tay phật, linh vật. Cách đưa và cách nhận đều không đúng với tinh thần Phật pháp”, ông cho biết.
“Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất để trả lại cho các lễ hội sự lành mạnh, đúng với tinh thần và vẻ đẹp nguyên bản. Đó là việc thiết lập ra những giới hạn lễ hội, lựa chọn người hành lễ, quản lý việc mua bán, tổ chức các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ./.
Đào Bích/VOV.VN
Ý kiến ()