Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 12:05 (GMT +7)
Vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy: Bộ GTVT và Tiền Giang đồng thuận
Thứ 3, 29/08/2017 | 11:58:00 [GMT +7] A A
Hơn 2 tuần tạm ngừng hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa có mốc thời gian thu phí trở lại.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chiều 28/8, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BOT Cai Lậy (Tiền Giang) xác nhận, nhà đầu tư vẫn chưa thu phí trở lại. Hiện tại công ty đang thực hiện thống kê các đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm phí theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Có thể nói việc trạm thu phí BOT Cai Lậy phải ngừng thu phí ngay khi mới hoạt động nguyên nhân được cho là trạm này được đặt không hợp lý dẫn đến người dân và doanh nghiệp phản đối. Vậy trước khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép nhà đầu tư được đặt vị trí trạm như hiện tại, các bên liên quan đã có những ý kiến như thế nào?
Về nội dung này, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy đã được nghiên cứu kỹ, tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó đã xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của địa phương và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải trước khi phê duyệt dự án đầu tư bằng hình thức BOT, năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh Cai Lậy, tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn nên đến năm 2013 (sau hơn 4 năm nghiên cứu) dự án vẫn chưa được triển khai. Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang tại Văn bản 3901 ngày 30/8/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành nghiên cứu triển khai dự án tuyến tránh Cai Lậy bằng hình thức BOT.
Ông Trần Sỹ Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625 (đơn vị tư vấn lập dự án BOT Cai Lậy) cho biết, năm 2013, khi tiến hành nghiên cứu đơn vị đã đưa ra hai phương án xây dựng tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT. Thứ nhất, tiến hành mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy với quy mô 6 làn xe (không làm tuyến tránh), trạm thu phí hoàn vốn đặt trên Quốc lộ 1.
“Theo phương án này, tuyến đường sẽ mở rộng qua thị trấn Cai Lậy, khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn khi hàng trăm hộ dân bị giải tỏa trắng, tổng mức đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, dẫn tới chi phí của người dân và doanh nghiệp bỏ ra để trả phí khi qua trạm thu phí sẽ cao và thời gian hoàn vốn dự án cũng bị kéo dài”, ông Minh phân tích.
Phương án thứ hai được đơn vị tư vấn đưa ra là xây dựng Quộc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 560 – Km 2014 000, thực hiện phương án này, ông Minh cho biết sẽ giảm được khối lượng giảm phóng mặt bằng do tuyến đường xây dựng mới sẽ không đi qua khu dân cư đô thị, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km 1987 560 – Km 2014 000 không phải giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 1.400 tỷ đồng, thời gian thu phí dự án sẽ ngắn hơn so với phương án 1.
Cũng theo ông Minh sau khi Bộ Giao thông Vận tải có văn bản lấy ý kiến về các phương án, tỉnh Tiền Giang đã có văn bản thống nhất lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 560 – Km 2014 000.
Để đảm bảo quy trình đầu tư dự án theo hình thức BOT tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, ngày 28/10/2013, Bộ GTVT ban hành Văn bản 11547 (gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang), Văn bản 11548 (gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang) và Văn bản 11549 (gửi UBND tỉnh Tiền Giang) xin ý kiến thống nhất vị trí trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh Thị xã Cai Lậy theo hình thức BOT, kèm theo nội dung kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua Thị xã Cai Lậy.
Đặc biệt, trong các văn bản, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, để hoàn vốn cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu hai phương án đặt trạm thu phí cho dự án. Thứ nhất, trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 (khoảng Km 1999 900, xã Phú An, huyện Cai Lậy); đồng thời với việc xây dựng tuyến tránh sẽ kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy. Với phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án (thời gian thu phí khoảng 10 năm); giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến Quốc lộ1 và tuyến tránh, góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy.
“Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ1 cần phải có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu quốc hội của tỉnh Tiền Giang”, Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Thứ hai, trạm thu phí đặt trên tuyến tránh Cai Lậy, theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án này có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh, không thu phí các phương tiện đi vào nội thị Cai Lậy. Tuy nhiên, phương án này sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua Quốc lộ 1 hiện tại do tránh trạm thu phí, dẫn tới tình trạng tiếp tục gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy; đồng thời, hiệu quả tài chính dự án rất thấp (thời gian thu phí trên 30 năm), không thu hút được nhà đầu tư và không thực hiện được việc nâng cấp mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 qua Cai Lậy.
Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản trả lời Bộ Giao thông Vận tải về vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy. Cụ thể, taị văn bản 5090 của UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy là rất cần thiết và cấp bách. Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí cho dự án tại lý trình Km 1999 900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy (nay là Thị xã Cai Lậy)”.
Cũng trả lời nội dung này cho Bộ Giao thông Vận tải, HĐND tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định: “Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang thống nhất vị trí đặt trạm thu phí dự án trên QL1 tại khoảng Km 1999 900, xã Phú An, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.
Như vậy, vị trí đặt trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 qua Cai Lậy đều được các cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang trong đó có UBND, HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang có văn bản thống nhất lựa chọn đặt trên tuyến Quốc lộ 1.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 1908 ngày 11/11/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh Thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 560 – Km 2014 000 tại Văn bản 4173 ngày 19/12/2013.
Về lý do vì sao trạm thu phí Cai Lậy lại bị dịch chuyển 600m so với vị trí phê duyệt ban đầu, đại diện Vụ Đối tác Công tư (PPP – Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong quá trình dự án đang triển khai xây dựng, do vướng mắc về mặt bằng tại khu vực được xác định xây dựng trạm thu giá (Km 1999 900) nên UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thay đổi vị trí đặt trạm thu giá về vị trí Km 1999 300, Quốc lộ 1.
UBND tỉnh Tiền Giang trong Văn bản 4717 ngày 2/10/2015 gửi Bộ Giao thông Vận tải lý giải, tại vị trí xây dựng trạm thu phí (Km 1999 900) đang gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng do các hộ dân chưa đồng thuận, vẫn tiếp tục khiếu nại, nên việc giải quyết đền bù cho dân để bàn giao mặt bằng thi công trạm thu phí sẽ kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ dự án.
Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999 300, QL1. Tại vị trí này, việc giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn, giảm thiệt hại cho người dân và giảm chi phí đầu tư cho dự án.
Liên quan dự án Cai Lậy, trả lời Bộ Giao thông Vận tải, tại Văn bản 17593 ngày 26/11/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định: “Để đảm bảo phương án tài chính của dự án, việc đặt một trạm thu phí trong phạm vi dự án để hoàn vốn nhà đầu tư là phù hợp. Vị trí cụ thể Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định, phù hợp với các quy định hiện hành”.
Ý kiến ()