Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 23/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Chưa thống nhất về việc tăng độ tuổi trẻ em lên 18
Đa số các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi tên Luật hiện hành thành “Luật trẻ em.” Việc đổi tên sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật, tương tự như tên của một số luật về đối tượng đặc thù đã được Quốc hội thông qua như Luật thanh niên, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nêu quan điểm việc đổi tên sẽ thể hiện được sự quan tâm, bảo vệ, chăm sóc của Nhà nước, gia đình, cộng đồng đối với trẻ em và tinh thần của Hiến pháp về quyền của trẻ em, đề cao quyền con người.
Về nội dung điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu Đinh Xuân Thảo nêu rõ việc điều chỉnh tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi xuất phát từ lý do sinh học, tâm sinh lý thể chất trẻ em mà y học đã chứng minh sự phát triển hoàn hảo là từ 18 tuổi trở lên, gọi là thành niên.
Tại một số quốc gia đã có quy định người bước sang tuổi 18 là người hoàn toàn độc lập, tự chủ, không chịu sự ràng buộc của cha mẹ. Ở Việt Nam, tuổi thành niên đã được xác định trong Hiến pháp và nhiều luật. Hiến pháp năm 1946 đã quy định người đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử – đó chính là dấu mốc để xác định tuổi thành niên.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, việc nâng tuổi lên dưới 18 tuổi là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, giúp các đối tượng trẻ em được quan tâm, chăm sóc, giáo dục nhiều hơn, đó là sự tiến bộ. Về cơ bản quy định này không xung đột với các Luật khác bởi về bản chất có khác chỉ là do cách dùng từ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nếu điều chỉnh, chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt đối với khoảng 250 nghìn người chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Trái lại, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) nhận định không cần thiết phải tăng độ tuổi trẻ em vì như vậy nhóm người ở độ tuổi này sẽ mất đi nhiều quyền lợi.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: quy luật phát triển của con người nói chung cho thấy đến nay tại nhiều quốc gia, trẻ em ngày càng trưởng thành, do đó, tuổi trẻ em, đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm dân sự có xu hướng trẻ dần.
Nếu quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em sẽ dẫn đến một loạt hành vi dân sự của các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này sẽ phải tính toán lại. Như vậy sẽ phải tính toán lại Bộ Luật Hình sự; vấn đề kết hôn; vấn đề giao cấu với trẻ em; vấn đề tội phạm…
Điều này đi ngược xu thế chung của các nước. Nếu nói quy định như vậy không xung đột với các quy định hiện hành là chưa đúng, cần có sự giải trình các xung đột này trước khi thông qua quy định dưới 18 tuổi được coi là trẻ em.
”Không cần thiết bắt thanh thiếu niên từ 16 đến 18 tuổi trở về thành thân phận trẻ em, như vậy họ sẽ mất nhiều quyền lợi khác nhau. Nếu muốn chăm sóc cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18, nhóm người ở lứa tuổi này muốn cái gì thì chăm sóc cái đó, không cần thiết phải biến họ thành trẻ em để được chăm sóc” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) đề nghị trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật, cần có sự biểu quyết của các đại biểu Quốc hội đối với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi.
Quy định cụ thể hơn về cơ chế thực hiện quyền trẻ em
Thảo luận về quyền và bổn phận của trẻ em, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Thị Hiền (Hà Nam), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) chỉ rõ: Việc dự án Luật quy định quyền trẻ em gồm 25 quyền đã tiến gần đến các nhóm quyền cơ bản quy định tại công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là liệt kê bao nhiêu quyền mà là cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào, để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống. Đại biểu Trần Thị Hiền khẳng định nếu chỉ liệt kê đầy đủ các quyền trẻ em nhưng không có cơ chế bảo vệ quyền, trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị xâm hại nhất.
Tự bản thân trẻ em không thể tự bảo vệ quyền của mình trước những nguy cơ bị tổn hại, vì vậy trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em phụ thuộc vào người nuôi dưỡng, người giám hộ, sau đó là nhà trường, các cơ sở nuôi dưỡng giáo dục và cả hệ thống chính trị. Đại biểu kiến nghị trong dự án Luật cần quy định cụ thể hơn cơ chế thực hiện quyền trẻ em và cơ chế này được thể hiện rõ ràng trong từng điều Luật.
Về cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em và chức năng giám sát thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đồng tình giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ này.
Bởi theo các đại biểu, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, để cơ chế giám sát quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi, hiệu quả, các đại biểu kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Đại biểu Trần Hồng Thắm nêu quan điểm: Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc phân công các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Như vậy, Đoàn thanh niên các cấp sẽ có đủ cơ chế được quy định rõ ràng, chủ động trong thực hiện trách nhiệm đại diện.
Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về các hành vi bị cấm và nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em; về chăm sóc và giáo dục trẻ em; về bảo đảm sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em…/.
Ý kiến ()