Thứ Ba, 21/01/2025 10:57 (GMT +7)

Việt Nam cần tận dụng lợi thế nguồn vốn lớn đầu tư nước ngoài

Thứ 5, 29/08/2019 | 14:16:00 [GMT +7] A  A

Sáng 29/8, tại Đại học Quốc gia Singapore, Diễn đàn Kinh tế châu Á 2019 đã khai mạc với sự tham dự của trên 150 chuyên gia, học giả và các đại biểu đến từ 10 nước của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước khác.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN

Viện Cạnh tranh châu Á thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trong Đại học Quốc gia Singapore phối hợp với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức sự kiện này. Diễn đàn diễn ra trong các ngày 29 – 30/8.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chủ đề chính của các phiên thảo luận tại diễn đàn là tính cạnh tranh kinh tế và năng suất lao động được điều chỉnh theo chất lượng của các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, các học giả cũng trao đổi về những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó, về sự phát triển của kinh tế thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt trong môi trường chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Ông Tan Khee Giap, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Singapore phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Tan Khee Giap, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Singapore, nêu rõ trong xếp hạng hằng năm về tính cạnh tranh kinh tế của 10 nước ASEAN, Việt Nam đã xếp thứ 7 trong một thời gian dài.

Tiến sĩ cho rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt trong việc thành lập các đặc khu kinh tế. Ông hy vọng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa khi chuỗi giá trị sản xuất đang dịch chuyển sang Việt Nam và việc Việt Nam thu hút được nguồn vốn lớn từ đầu tư nước ngoài.

Singapore cũng đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên thành lập nhiều khu công nghiệp hơn nữa, không chỉ ở miền Nam, mà còn ở cả miền Trung và miền Bắc để nền kinh tế của Việt Nam phát triển cân bằng hơn trên cơ sơ tổng thể quốc gia. Đây là vấn đề mà ông Tan Khee Giap cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xem xét một cách nghiêm túc.

Theo Nguyễn Thúy (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu