Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 04/01/2025 13:01 (GMT +7)
Việt Nam có thể đón 6 – 8 triệu lượt khách quốc tế nếu mở cửa từ quý III
Thứ 6, 12/06/2020 | 10:34:00 [GMT +7] A A
“Thời điểm vàng kích cầu du lịch “hậu” COVID-19″ là chủ đề cuộc tọa đàm trực tuyến tại Hà Nội ngày 10/6 do Báo Tiền phong phối hợp Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Khách du lịch bắt đầu quay trở lại tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN
Cuộc tọa đàm có sự tham gia, trao đổi ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành về khó khăn và giải pháp tháo gỡ để chương trình kích cầu du lịch Việt Nam đạt được hiệu quả. Thông tin từ tọa đàm còn giúp giải tỏa tâm lý e ngại của đông đảo khách hàng sau giai đoạn dịch COVID -19 và đất nước bước vào phát triển trong trạng thái bình thường mới, để từ đó chung tay ủng hộ du lịch nội địa…
Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã “càn quét” nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ, doanh thu của nhiều ngành kinh tế sụt giảm. Trong đó, du lịch – ngành công nghiệp không khói phải chịu tổn thương nghiêm trọng. Sau hơn 3 tháng “đóng băng”, du lịch nước ta đang trên đà vực dậy với liên minh kích cầu, chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ đầu tháng 5/2020, đến nay đã giúp bức tranh du lịch dần chuyển sang gam màu tươi sang hơn. Các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú, vận tải, dịch vụ ăn uống dần được phục hồi, du khách đã bớt e dè khi quyết định đi du lịch. Dù chưa thể trở lại tăng trưởng 2 con số như trước đây nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng để đưa du lịch Việt Nam trở lại “đường ray”…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết: Trong 5 tháng qua, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%, tổng thu từ du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ 2019. Hoạt động du lịch nội địa đến thời điểm này đã dần được phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 4/2020. Nhưng với du lịch quốc tế thực sự là ngừng trệ kể từ tháng 3/2020 đến nay.
Do tác động của dịch bệnh trong quý I, II của năm 2020, khoảng 95% công ty lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. Trong tháng 5/2020, hoạt động lữ hành nội địa hồi phục, công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt khoảng 10 – 15% ở các tỉnh, thành phố, các vùng miền đạt 50% dịp cuối tuần. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, từ nay đến cuối năm 2020, số lượng các công ty du lịch đóng cửa do gặp khó khăn sẽ còn tăng mạnh. Có thể nói ngành du lịch đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch. Theo dự báo, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 có thể đạt khoảng 60 – 65 triệu lượt. Với khách quốc tế, trong trường hợp có thể bắt đầu đón khách được từ quý III/2020 thì lượng khách có thể đạt từ 6 – 8 triệu lượt. Nếu đón từ quý IV/2020 thì có thể đạt được 4,5 – 5 triệu lượt khách quốc tế.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Sun Group, Vietravel, Flamingo… đã khẳng định, dù ảnh hưởng rất nặng nề do dịch COVID-19 cả về lượng khách, doanh thu, nhân lực nhưng các đơn vị đều rất nỗ lực chuẩn bị cho sự phục hồi trở lại của ngành du lịch. Vietnam Airlines đã mở thêm nhiều đường bay nội địa mới trong tháng 5 – 6/2020 để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú lớn đều chuẩn bị cho các sản phẩm, dịch vụ mới chất lượng, đặc biệt là chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu với chất lượng đảm bảo để kích cầu du lịch. Nhiều doanh nghiệp xác định du khách nội địa vẫn là nguồn chính đến tháng 6/2021…
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Thời gian qua ngành du lịch nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các địa phương. Nhưng việc khai thác du lịch cũng không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự đồng cảm của du khách. Các doanh nghiệp lữ hành phải xác định là du lịch Việt chinh phục du khách Việt, thu hút khách Việt bằng những sản phẩm hấp dẫn chứ không phải chỉ là giải pháp chia sẻ khó khăn với du lịch.
Do đó, tới đây, các sản phẩm du lịch sẽ được đa dạng hóa hơn, để mọi đối tượng khách hàng đều có thể tiếp cận được với các sản phẩm phù hợp, quan trọng hơn là để khách không chỉ đi du lịch một lần mà còn muốn quay lại. Hiện tại đang là thời điểm “vàng” để kích cầu nhưng tới đây sẽ là thời điểm “vàng” để phát triển thị trường du lịch nội địa. Các doanh nghiệp sẽ duy trì và phát triển mục tiêu về số lượng, sản phẩm du lịch, giá trị sản phẩm cho du khách Việt để phát triển thị trường nội địa bền vững ngay cả khi thị trường quốc tế trở lại bình thường chứ không chỉ giới hạn trong năm 2020.
https://baotintuc.vn/du-lich/viet-nam-co-the-don-6-8-trieu-luot-khach-quoc-te-neu-mo-cua-tu-quy-iii-20200610144515521.htm
Ý kiến ()