Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 06:07 (GMT +7)
Việt Nam khẳng định quyết tâm chống đánh bắt cá trái phép
Thứ 5, 26/04/2018 | 11:31:00 [GMT +7] A A
Ngày 25/4, tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu ở Brussels, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ tổ chức họp báo cập nhật những biện pháp đã triển khai để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Tại cuộc họp báo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & Hợp tác quốc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Việt Nam đã đạt kết quả khả quan trên sáu nhóm vấn đề lớn. Trong đó, quan trọng nhất là khung pháp lý với Luật Thủy sản được thông qua ngày 21/11/2017 với cách tiếp cận rất mới trong công tác quản lý nghề cá, từ tiếp cận mở sang tiếp cận đóng thông qua hệ thống cấp phép về quản lý hạn ngạch đầu vào và đầu ra.
Đặc biệt, luật quy định cụ thể về các hành vi IUU cùng một khung xử phạt rất cao so với khung xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác. Cùng với đó, công tác chỉ đạo điều hành từ Chính phủ cho đến các cơ quan địa phương được tăng cường để đảm bảo việc thực thi ngay trong thời gian trước khi luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nỗ lực của cả hệ thống chính trị Việt Nam đã tạo được những chuyển biến với các tiến bộ rõ rệt trong xác nhận và chứng nhận nguồn gốc hải sản hay công tác kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, một trong những nội dung quan trọng để khắc phục cảnh báo về việc giám sát các tàu khai thác gắn với truy suất nguồn gốc. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Nhận thấy vấn đề “thẻ vàng” IUU có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và giao thương thương mại của các sản phẩm hải sản tại thị trường châu Âu nói riêng và thị trường thế giới nói chung, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực hợp tác với các cơ quan chức năng cũng như với nhau để cùng thực hiện cam kết chống đánh bắt cá IUU trong suốt sáu tháng qua.
Đại diện VASEP, bà Lê Hằng, cho biết Hiệp hội thường xuyên cập nhật danh sách các doanh nghiệp thủy sản cam kết chống lại đánh bắt cá IUU bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên trang web của mình, qua đó truyền thông cho cộng đồng các nhà nhập khẩu và đặc biệt là các cơ quan quản lý phía EU biết được sự đồng lòng và quyết tâm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Theo kế hoạch hành động của chương trình “Doanh nghiệp thủy sản cam kết chống cá IUU”, các công ty thủy sản Việt Nam đã đồng thời treo bảng cam kết chống cá IUU tại cửa hoặc cửa của nhà máy chế biến.
Sau khi EU chính thức đưa ra “thẻ vàng” cảnh cáo với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường này đã giảm do các nhà nhập khẩu thận trọng hơn và lo ngại các cơ quan quản lý thắt chặt kiểm tra hàng nhập khẩu gây áp lực chi phí và thời gian.
Trả lời phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hải Vương cho biết EU là thị trường rất quan trọng và một số khách hàng đã bày tỏ lo lắng về nguy cơ thẻ đỏ tiếp sau thẻ vàng. Doanh nghiệp đã chủ động trấn an và thông tin cho khách hàng về các biện pháp được phía Việt Nam tiến hành trong nỗ lực gỡ bỏ nhanh chóng thẻ vàng và bằng mọi giá không để chuyển sang thẻ đỏ.
Về phần mình, ông Brian Cullinane, Giám đốc kinh doanh của công ty Ireland Pan Euro Foods, một đơn vị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ gần 5 năm qua cho biết ông đã có quan hệ rất tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ông cho biết vấn đề EU cảnh báo thẻ vàng IUU là khá mới và hầu như chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường, nhưng trong hai ba năm nữa tình hình sẽ xấu đi nếu Việt Nam không gỡ bỏ được “thẻ vàng”. Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa EU với Việt Nam đang chờ sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng và như nhiều doanh nghiệp châu Âu trông đợi vào Hiệp định này, ông Cullinane đến triển lãm để tìm kiếm cơ hội hợp tác với những nhà cung cấp mới của Việt Nam.
Việt Nam đánh giá rất cao thị trường châu Âu và mong muốn giữ xuất khẩu ổn định vào thị trường này. Cuộc họp báo tại Triển lãm thủy sản toàn cầu Brussels chứng tỏ thiện chí của Việt Nam với việc cung cấp cho các doanh nghiệp, các bạn hàng biết đến những nỗ lực của mình trong công tác quản lý ngành thủy sản, tạo sự yên tâm cho họ trong nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Trước đó vào ngày 20/4, Việt Nam đã trình lên Ủy ban châu Âu (EC) một bản báo cáo về các nỗ lực của Việt Nam nhằm tháo gỡ vấn đề “thẻ vàng”, để cơ quan này đánh giá thực tế triển khai chống IUU của Việt Nam cũng như khung pháp lý có tạo được tiền đề cho ra đời một nền tảng cho nghề cá bền vững hay không. Theo kế hoạch, từ 15-25/5 EU sẽ có một đoàn kiểm tra để đánh giá trên thực địa tình hình triển khai chống IUU của Việt Nam.
Ý kiến ()