Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 16:36 (GMT +7)
Việt Nam mới chỉ tận dụng được khoảng 40% ưu đãi thuế quan từ các FTA
Thứ 4, 23/05/2018 | 11:06:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam mới chỉ tận dụng được 30-40% ưu đãi thuế quan do các hiệp định thương mại đã mở ra cho nền kinh tế.
Tại Hội thảo “CPTPP: Các cam kết cơ bản, những lưu ý cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/5 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, CPTPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất trong số các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết từ trước đến nay.
Theo ông Lộc, Hiệp định này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Về cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, phát triển cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, có cơ hội hợp tác đầu tư và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ hiện đại… Hiệp định cũng giảm thuế nhiều mặt hàng bằng cách dỡ bỏ hoặc cắt giảm các hàng rào thuế quan nhằm thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa giữa các nước tham gia.
CPTPP không chỉ là cơ hội gia tăng “miếng bánh” xuất khẩu mà còn là cơ hội để nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc thiết bị với giá hợp lý, giúp nâng cao cạnh tranh trên thị trường dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ phục vụ sản xuất. Đây cũng là “cơ hội vàng” để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường mua sắm công của 10 nước CPTPP, cung cấp sản phẩm cho khu vực khách hàng lớn nhất ở nhiều nền kinh tế.
Đặc biệt, với các cam kết về quy tắc sau đường biên giới, CPTPP là cơ hội có một không hai để thúc đẩy, tăng tốc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn mới của thế giới. Cơ hội thu hút đầu tư, tăng việc làm, thu nhập cho người lao động…
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, CPTPP vẫn là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ tạo ra một nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư trong khu vực mà còn là sự khích lệ rất lớn đối với tiến trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay.
Theo ông Khánh, khả năng Hiệp định CPTPP được ít nhất là 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. Do đó, cơ hội và thách thức từ CPTPP đã trở nên gần hơn bao giờ hết.
Một trong những thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là thách thức trong việc tận dụng các cơ hội từ CPTPP. Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang có đã cho thấy khá rõ điều này. Đơn cử như, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các hiệp định FTA hiện chỉ xấp xỉ 30%-40%.
Thách thức lớn hơn và riêng có của CPTPP đó là doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng các cơ quan Nhà nước để kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh, sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp…
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực đang đến rất gần, để tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại, cộng đồng doanh nghiệp cần tranh thủ tiếp cận những thông tin về hội nhập đặc biệt là những thông tin về CPTPP.
“Đến thời điểm hiện nay, đối với các ưu đãi thuế quan do các hiệp định thương mại đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, chúng ta mới chỉ tận dụng được 30%-40%, bỏ lỡ 60%-70% ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, việc nghiên cứu để thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan là rất quan trọng. Doanh nghiệp hãy chung tay cùng Chính phủ bám sát cam kết về cải cách thể chế trong CPTPP để thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. Bằng cách đó, doanh nghiệp một mặt sẽ đẩy mạnh những hoạt động kinh doanh của mình cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời tạo ra tác động lớn về sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
Ý kiến ()