Thứ Ba, 28/01/2025 00:15 (GMT +7)

Việt Nam tham gia phát triển công nghệ bền vững trong nông nghiệp, khẳng định thương hiệu gạo

Thứ 5, 11/10/2018 | 14:56:00 [GMT +7] A  A

Sáng 11/10, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo.

Chú thích ảnh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và nhiều đại biểu đại diện ngành hàng từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới; các công ty lớn về xuất, nhập khẩu gạo, chuyên gia lĩnh vực lúa gạo trong nước và hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị.

Gạo Việt Nam đủ tiêu chí thâm nhập thị trường tiêu chuẩn cao nhất

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong việc phối hợp với các tổ chức đối tác, các nước xuất, nhập khẩu gạo tham gia có hiệu quả trong chuỗi sản phẩm gạo và an ninh lương thực thế giới. Việt Nam đóng góp không chỉ về giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng gạo, mà còn tham gia vào thị trường phát triển công nghệ bền vững trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo. Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, cơ quan, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị gạo là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và thế giới trong việc tiếp tục thảo luận để nâng cao cơ hội và thể chế hợp tác, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị gạo quốc tế, cũng như sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp thế giới, đảm bảo an ninh lương thực của khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân, nâng cao thu nhập của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm gạo. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bên cạnh đó, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu gạo được phát triển theo hướng đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo; khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader, ông Jeremy Zwinger đánh giá, việc Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 với sự hiện diện của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và đại diện nhiều bộ, ngành đã khẳng định sự quan tâm và thể hiện cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển của ngành lúa gạo và sản xuất thương mại gạo. Đây là dịp để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm về mặt hàng quan trọng này.

Với thông điệp của Hội nghị là “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, các đại biểu, chuyên gia, nhà nhập khẩu, xuất khẩu đã trao đổi, nhận định xu hướng toàn cầu về thương mại gạo, sản xuất lúa gạo trong năm 2018 và những năm tới; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo; nhận diện những cơ hội, thách thức đối với mặt hàng này, từ đó đề xuất định hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, trong đó phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo chiếm một vị trí quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới. Việt Nam có điều kiện thuận lợi về sản xuất lúa gạo như đất đai, thổ nhưỡng, kinh nghiệm canh tác, trình độ thâm canh và nhiều giống lúa gạo truyền thống đặc sản. Mặc dù quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, diện tích trồng lúa vẫn chiếm khoảng 60% tổng diện tích trồng cây hàng năm và sản xuất lúa gạo là nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 9 triệu hộ nông dân tại Việt Nam.

Sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực, trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 5-6 triệu tấn. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới gần 6 triệu tấn gạo, tăng 21% so với năm trước và thu về hơn 2,6 tỷ USD, tăng 22%. Gạo Việt Nam từ trong thơ ca “hạt gạo làng ta” đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, Trung Quốc, các nước châu Phi, gạo Việt Nam đang hướng tới các thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.

Sản lượng lúa hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 43-45 triệu tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng, đạt hơn 23 triệu tấn năm 2017. Sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới, Phó Thủ tướng khẳng định.

Chú thích ảnh

Các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị. Ảnh: Danh Lam /TTXVN

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đã ban hành nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu để xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, sản xuất lúa gạo và thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị – xã hội tại nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn sản xuất nhiều sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu