Chủ Nhật, 19/01/2025 16:12 (GMT +7)

Việt Nam trước ngã rẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới

Thứ 6, 08/09/2017 | 09:27:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Hôm nay (7/9), tại Hà Nội diễn ra Hội thảo giới thiệu 2 báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ – Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” và “Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.

viet nam truoc nga re tham gia chuoi gia tri toan cau the he moi hinh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo

Báo cáo của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước còn yếu.

Theo ông Charler Kunaka, Chuyên gia trưởng về khu vực tư nhân – Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Hoặc là tiếp tục làm cứ điểm xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng để đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Chuyên gia này cho rằng, dư địa dành cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhiều do các doanh nghiệp có quy mô lớn như Samsung, Ford, Toyota trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng các nhà cung cấp ở khắp mọi nơi. Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi nằm ngoài Việt Nam.

Ông Charler Kunaka cho rằng, doanh nghiệp FDI lớn có mạng lưới cung cấp riêng nên cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp. Hầu hết công đoạn gia tăng cao nằm ngoài Việt Nam. Những dịch vụ quan trọng thường do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp…

Theo đánh giá của ông Charler Kunaka, Việt Nam trở nên bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”, do không phát triển các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, còn có rủi ro về lâu dài khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn thu hút đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”. Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp FDI và vươn ra thị trường thế giới.

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước mới có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI nhưng chủ yếu là phụ tùng thay thế chứ chưa sản xuất được sản phẩm chính. Kết nối với doanh nghiệp nước ngoài còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ còn hạn chế.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng khung chính sách công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực công nghệ của các nhà cung cấp trong nước, tạo liên kết với các nhà đầu tư FDI, thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…từ đó góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu