Tất cả chuyên mục

![]() Ngân hàng Vietcombank. Ảnh minh họa. |
Hai công ty bị cấm đấu thầu ở VCB
Yêu cầu VCB bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, hồ sơ tín dụng trong quản lý đối với tài sản hình thành từ vốn vay, hướng dẫn chi tiết việc chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các chỉ tiêu phi tài chính.
Phía Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu VCB rà soát, sửa đổi các quy định của VCB về bán nợ, cần tách bạch việc bán nợ với việc bán tài sản để thu nợ; bán nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là các khoản nợ được Công ty quản lý tài sản VAMC ủy quyền.
Liên quan tới hoạt động đầu tư tài chính và mua sắm tài sản, Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCB phải sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư nhằm bảo đảm được nguyên tắc thị trường khách quan, minh bạch trong hoạt động đầu tư. Đối với các khoản đầu tư, nếu thấy không hiệu quả thì cần sớm thoái vốn trước hạn. Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCB ban hành quyết định thông báo cấm 2 Công ty (Công ty cổ phần công nghệ thông tin và truyền thông-Tecapro và Công ty cổ phần Thông tin Tiên Tiến tinh hoa nay là Công ty Cpauraca) không được tham gia đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong toàn hệ thống VCB theo đúng quy định.
Trả lời về những vụ việc vi phạm trong hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính, sáng 30/12, đại diện Vietcombank cho biết: Theo kế hoạch thanh tra thường niên năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra hoạt động Vietcombank.
Tại Thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ có chỉ ra một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại một số đơn vị của Vietcombank. Đây là những tồn tại, sai sót trong một số nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây. Trong quá trình thanh tra, Vietcombank đã tích cực phối hợp cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ chứng từ theo yêu cầu của Đoàn thanh tra. Hầu hết các tồn tại, sai sót mà Thanh tra Chính phủ đưa ra đã được Vietcombank chủ động phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời có các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền. Có những trường hợp Vietcombank chủ động cung cấp hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, tòa án để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Ban Lãnh đạo Vietcombank nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo khắc phục trong thời gian sớm nhất. “Đến thời điểm này, phần lớn các tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cơ bản được Vietcombank xử lý hiệu quả. Năm 2017, quy mô và hiệu quả kinh doanh của Vietcombank đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank đã đạt được kỷ lục về lợi nhuận (trên 10.000 tỷ đồng) với mức tăng trên 20% so với năm trước đó, là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất”, đại diện Vietcombank khẳng định.
Sai phạm nhiều trong hoạt động tín dụng
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, VCB đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng. Cụ thể về thẩm định, phê duyệt cho vay: Một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác…
Một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc của hóa đơn bán hàng), dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng.
Về kiểm tra sử dụng vốn vay, một số hồ sơ tín dụng các chi nhánh thực hiện kiểm tra không đầy đủ theo quy định; nội dung kiểm tra chung chung, sơ sài, chưa đầy đủ, chưa kiểm tra cụ thể về sổ sách kế toán, chưa đề cập các thông tin về tình hình kinh doanh, đánh giá dòng tiền, dẫn đến ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Một số hồ sơ tín dụng nhận thế chấp tài sản đảm bảo (TSĐB) không đủ điều kiện theo quy định; việc định giá lại TSĐB chưa theo quy định; hợp đồng thế chấp tài sản không có công chứng…
Đối với hoạt động mua bán nợ, Vietcombank cũng có những vi phạm như hướng dẫn mua bán nợ không rõ ràng, dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các bước; hay VAMC ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện đấu giá là chưa đúng với quy định.
Ý kiến ()