Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 31/12/2024 03:59 (GMT +7)
Vịnh Hạ Long từng có hố “tử thần”
Thứ 2, 01/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tờ Daily Mail mới đây công bố, tồn tại một hang ngầm dưới nước ở Biển Đông, gần đảo Trường Sa của Việt Nam có độ sâu 300,89m. Đây được cho là hang ngầm, hố “tử thần” sâu nhất thế giới. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ trước, ở một eo biển trên Vịnh Hạ Long đã từng có một hố sâu có hình hài tương tự dưới đáy nước mà tác giả tận mắt chứng kiến.
Cụ thể, vào những năm đầu của thập kỷ 60 trên tuyến đường biển từ Núi Hạm (phường Hồng Hà) đến cái Đầu Mối (phường Hà Phong), khoảng giữa, trong mênh mang sóng biển màu xanh da trời, có một vòng tròn khổng lồ, đường kính khoảng 60m, nước xanh màu mực Cửu Long, ẩn dưới đáy biển. Giữa mùa hè mà nước biển ở đây lạnh ngắt, ngồi trên thuyền lớn qua miệng vòng tròn ấy còn sởn tóc gáy. Cụ cao niên Đinh Văn Kiểm, người gốc Hà Nam-Phong Cốc, thuộc thị xã Quảng Yên, thạo luồng lạch vùng biển này bảo, đây là lỗ ruốc thần…truyền tục vậy. Nhưng ông Kiểm vẫn đưa ra nhận định, đây là một cửa hang lớn nằm sâu dưới biển, có đường ngầm ăn thông với đất liền. Phần lộ thiên, cửa hang có thể trên đỉnh Đèo Bụt, vùng giáp ranh giữa thành phố Hạ Long và Cẩm Phả.
Dốc Đèo Bụt là ranh giới thành phố Hạ long và Cẩm Phả.
Cửa hang lộ thiên ở Đèo Bụt, người địa phương ngàn xưa gọi là “Lộ Phong”, một làng của người Sán Dìu dưới chân núi này, cũng gọi là làng Lộ Phong.
Cửa hang trên núi (Lộ Phong) ẩn chứa nhiều câu chuyện tâm linh huyền bí. Dân làng dưới chân núi coi cửa hang lộ thiên này như linh vật của làng, không ai xâm phạm. Thần phả đền thờ thành hoàng làng Lộ Phong thời phong kiến ngôn truyền: “Lộ Phong” mà bị vít thì làng này trâu bò, lợn gà chết, người ốm đau. Nặng thì người bị câm, gà không gáy được, mùa màng thì thất bát.
Ngày người Pháp mở đường 18 vượt Đèo Bụt, lòng đường chờm qua cửa hang (cửa hang rộng chừng 3m, cao 4m), quan lục lộ cho đổ bê tông qua miệng hang, còn phải để một cái lỗ to như cái niêu đất giữa đường. Thời ta, nhiều lần sửa chữa mở rộng, hạ cốt nền dốc Đèo Bụt, vẫn chừa ra cái lỗ “Lộ Phong” ấy, không ai cả gan dám bịt lại. Người địa phương sau này gọi là “rốn Cô Tiên”. Gần đây, dân còn lập án nhang thờ cúng.
Án nhang thờ rốn Cô Tiên ở đỉnh dốc Đèo Bụt.
Không hiểu hình hài lòng thạch động, sâu nông, to rộng đến đâu và bên trong có gì quý giá vì chưa nhà thám hiểm nào khám phá. Khi ném một hòn đá to bằng quả cam vào rốn Cô Tiên, ghé tai vào miệng rốn nghe, chỉ thấy tiếng đá chạm vách hang và tiếng gió thổi, không nghe được điểm rơi, có lẽ là sâu lắm.
Còn lỗ ruốc thần được coi là hố “tử thần” nay không còn nữa. Từ khi xây dựng quân cảng Lữ đoàn 170, tàu cuốc khoét sâu âu tàu, luồng lạch đã vùi lấp cửa hang phần chìm dưới nước. Ngày nay, khi đổ rổ bưởi xuống rốn Cô Tiên, một tuần sau trên vùng biển này nổi lên không thiếu một quả. Lỗ hổng thạch động nằm sâu dưới đáy nước ấy cũng chưa ai mò tìm.
Những hang động thông thủy dưới đáy nước hình như có ảnh hưởng đến hải lưu vùng biển này. Đầu Mối còn có tên là Ba Cửa. Một hiện tượng tự nhiên, nơi đây là vùng nước giao thoa giữa ba dòng chả: một dòng từ Cửa Suốt về, một dòng từ Cửa Lục đến, một dòng từ Cửa Giữa vào. Ba dòng hải lưu có độ chênh cốt và xuôi ngược khác nhau, theo tuần trăng. Ngày trước, công nghiệp máy thủy chưa phát triển, thuyền bè xuôi ngược phải nhờ vào sức gió, dòng chảy. Thuyền bè qua đây phải tạm dừng, chờ nước thuận dòng.
Eo biều Đầu Mối (ba cửa).
Dưới chân dẫn núi đá vôi ở Đầu Mối có một ngôi đền cổ, xưa gọi là đền Ba Cửa, nay là đền Đầu Mối. Đền Đầu Mối chính thần thờ Nhị vị cô nương, sau phối thờ Trần Triều, Ngũ quan tứ phủ, Thổ Địa, Thần Kỳ… Nay còn có một ngôi chùa nhỏ thờ Phật. Truyền thuyết Nhị vị cô nương là hai chị em một nhà, người ở địa phương. Nước triều cạn, chị em xuống bãi biển Đầu Mối móc ruốc, rừng sú vẹt rậm rạp, họ lạc nhau. Khi triều dâng, biển nước mênh mông, người chị không thấy em về. Hôm sau nước rút, xuống bãi tìm em thì… hỡi ôi! Nơi em móc ruốc chỉ còn cái giỏ, đánh dấu chỗ em nằm và một đống bùn lớn ụ lên. Linh tính mách bảo người chị, em đã bị một con ruốc lớn kéo cánh tay xuống lỗ và ghì chặt người xuống bãi biển, khi triều dâng cuốn hồn em đi mãi mãi. Người chị nhất mực thương em, đêm ngày ra Đầu Mối than khóc và một ngày kia không thấy trở về nữa.
Người đời sau bảo, hai chị em nhà ấy chết trẻ, linh thiêng thì lập miếu thờ ở ngay Đầu Mối. Truyền thuyết về cô gái bị ruốc thần đưa đi gắn liền với lỗ ruốc thần, còn gọi hố “tử thần” ở vùng biển này, làm cho câu chuyện càng thêm li kỳ.
Cửa đền Đầu Mối nhìn vát về Tây là lỗ ruốc thần (hố tử thần trên biển).
Chuyện tích xưa biết đâu kể đấy. Còn tôi dám chắc, dưới đáy vùng biển này có nhiều hang động, được hình thành từ thời kỳ địa chất thứ II. Những carter ngầm thông thủy, địa mạo đáy biển ảnh hưởng hải lưu mang đến cho bề mặt vịnh Hạ Long vẻ đẹp thần tiên, còn có góc bí ẩn mà các nhà địa chất, Ban quản lý vịnh Hạ Long chưa khai thác, quảng bá.
Một vùng biển đẹp trong quần thể vịnh Hạ Long.
Nguồn: Vũ Phong Cầm – baoxaydung
Ý kiến ()