Thứ Bảy, 18/05/2024 15:27 (GMT +7)

Vĩnh Hưng tổ may gia công giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập

Thứ 4, 27/09/2023 | 16:15:30 [GMT +7] A  A

Hiện nay, một số ngành nghề yêu cầu lao động phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sức khoẻ, năng lực, độ tuổi, tay nghề,… do đó, nhiều lao động không đạt tiêu chí trên bị dôi dư dẫn đến tình trạng thất nghiệp, không việc làm, thu nhập thấp không đủ để trang trải cuộc sống.

Ở một số nơi, tỉ lệ lao động và tình trạng thất nghiệp tăng đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội, vì vậy, việc tạo điều kiện để giải quyết việc làm - giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (áo vàng) hướng dẫn chị, em phụ nữ các công đoạn gia công

Trong thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Long An đã xuất hiện nhiều mô hình giải quyết việc làm hiệu quả, đã phần nào kéo giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp, tạo sinh kế cho lao động nhàn rỗi, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo. Điển hình như mô hình tổ may may gia công sản phẩm quần, áo của chị Nguyễn Thị Yến Nhi ở Ấp 3, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng đã tạo điều kiện cho 18 lao động nông thôn nhàn rỗi tại địa phương có thu nhập ổn định.

Chị Nhi cho biết: “Tổ may gia công được thành lập vào năm 2018, bản thân chị là thợ may và được tiếp cận với các loại máy may công nghiệp, có công suất cao nên gia đình chị đã quyết định đầu tư xây dựng cơ sở, mua sắm trang thiết bị để may gia công kiếm thêm thu nhập. Thông qua giới thiệu từ hội liên hiệp phụ nữ, chị đã vận động và hướng dẫn nhiều chị, em phụ nữ thất nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn, muốn kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Nhận thấy việc may gia công phù hợp, dễ làm, thu nhập tương đối ổn định nên nhiều chị, em phụ nữ trên địa bàn đã mạnh dạn tham gia”.

Hiện tại, cơ sở may gia công của chị Nhi có tổng cộng 06 máy may, hoạt động tương đối ổn định và ngày càng phát triển, bên cạnh đó, một số chị em có điều kiện đã tự trang bị máy tại nhà và nhận vật liệu về gia công giao sản phẩm.

Chị Nhi cho biết, mỗi ngày tổ may hoàn thành từ 150 - 200 bộ quần áo thành phẩm, mỗi bộ được trả công 08 nghìn đồng cho người may, mỗi tháng chị, em phụ nữ tham gia có thu nhập dao động từ 04 - 4,5 triệu đồng.

Tổ may gia công có 06 thành viên làm việc tại cơ sở

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Ấp 2, xã Vĩnh Bình tâm sự: “Lúc trước đây tôi có đi làm việc ở công ty may, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nuôi con nhỏ nên phải bỏ việc để chăm lo cho gia đình. Khi nghe ở xã có chỗ cần người may gia công, tôi thấy phù hợp nên nhận đồ về gia công kiếm thêm thu nhập, hiện tôi đã tự mua máy để may ở nhà, từ đó có nhiều thời gian để vừa kiếm tiền vừa chăm lo cho gia đình mình”.

Chị Nguyễn Thị Kim Đồng - Ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung cho biết: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, lúc trước chỉ đi làm thuê công nhật, không ổn định, nhiều khi gần 01 tháng không có việc làm, nhưng từ khi tham gia vào tổ may của chị Nhi, được chị hướng dẫn các công đoạn gia công quần, áo, đến nay tôi đã quen và đã có thu nhập ổn định hàng tháng.

Thấy được hiệu quả từ mô hình tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Yến Nhi, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Bình đã thường xuyên đến động viên chị, em hội viên phụ nữ nổ lực phấn đấu, phát triển kinh tế để có thu nhập trang trải cuộc sống, cùng với địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, mô hình cũng được Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng đề xuất là mô hình phát triển kinh tế - giải quyết lao động hiệu quả và là điểm để nhân rộng trong thời gia tới.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Tổ may gia công của chị Nhi tại xã Vĩnh Bình là mô hình giúp ích rất nhiều cho hội viên hội phụ nữ trên địa bàn xã và các xã lân cận. Giải quyết tốt việc làm cho chị, em là lao động nhàn rỗi, đồng thời giúp cho các chị, em có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống."./.

Đặng Tâm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu