Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 08:44 (GMT +7)
Vỡ đập thủy điện ở Lào, Việt Nam cần làm gì với các công trình thủy điện?
Thứ 5, 26/07/2018 | 08:56:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Công tác quản lý, cảnh báo rủi ro hồ đập thủy điện cần phải được nâng cao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan.
Ngày 24/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào bị vỡ khiến một lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu đã làm hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, cùng khoảng 1.300 hộ dân mất nhà cửa.
Từ sự cố này, ông Nguyễn Tài Sơn, Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện khi trao đổi với báo chí đã cảnh báo, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập và ý thức của con người tránh để xảy ra những sự cố không đáng có.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào ngày 24/7 vừa qua?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Với mỗi sự cố xảy ra cần phải đánh giá nguyên nhân thì mới có kết luận chính xác. Qua các thông tin thu thập được từ vụ vỡ đập phụ của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào vừa qua có thể do mấy nguyên nhân.
Công trình chưa được khảo sát kỹ nền móng của vị trí đập đất. Khi các sự cố xảy ra ở phần đập đất, phần lớn là do phần nền móng bị xói ngầm, từ đó có thể là do chất lượng thi công đập đất.
Bên cạnh đó là yếu tố địa hình, khi các công trình thủy điện cách xa nhau hàng chục cây số, nên phần khảo sát địa hình để xây dựng được chính xác kết cấu công trình, từng hạng mục phải đồng bộ với nhau.
Quá trình khảo sát này tương đối phức tạp nên không hiểu đơn vị thi công có thực hiện chính xác hay không, nếu khảo sát không kỹ, khi hồ thủy điện tích nước sẽ tràn qua đập hoặc gây ra vỡ đập.
Ngoài ra, sự chủ quan các nhà đầu tư và thi công cũng không thể loại trừ, vì đây là yếu tố do con người gây ra từ tư vấn, thiết kế, thi công, quản lý… đều góp phần dẫn đến sự cố.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về quy mô cũng như hiệu quả kinh tế của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy của Lào trong hệ thống thủy điện trên sông Mekong?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Ở góc độ chuyên môn đánh giá thì Xe Pian-Xe Namnoy là thủy điện tầm trung, công suất 410MW. Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy lấy nước nguồn từ 2 dòng suối với diện tích lưu vực vào khoảng 522 km2. Với lưu vực của sông Mekong là 795.000 km2 thì thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, khi đầu tư bất kì dự án thủy điện nào cũng đều phải tính toán kỹ. Theo các phương án tính toán khi đầu tư dự án thủy điện, người ta tính toán cho các trường hợp cơ bản và các trường hợp có rủi ro. Cụ thể trong trường hợp này, rủi ro sẽ làm tăng vốn đầu cao hơn so với mức đầu tư ban đầu. Theo như tính toán thông thường, khi vốn đầu tư tăng thêm 10% dự án vẫn phải còn hiệu quả thì nhà đầu tư mới quyết định đầu tư.
Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có 3 đập chính lấy nước từ hai dòng suối gom về một hồ lớn với sức chứa ở cao trình cực đại là hơn 1 tỷ mét khối. Sự cố đã xảy ra với 1 trong 3 đập phụ tại thủy điện này theo tính toán vốn đầu tư không thể chiếm 10% tổng dự án được. Nên xét ở góc độ kinh tế, chắc chắn chủ đầu tư có phải chịu thiệt thòi nhưng ở mức có thể chấp nhận được.
PV: Từ bài học vỡ đập thủy điện tại Lào, ông có những cảnh báo gì về quy mô đầu tư và việc xây dựng thủy điện tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Ở Việt Nam có gần 400 công trình thủy điện lớn nhỏ với công suất gần 19.000 MW nên nguyên tắc bất dịch là cần tuân thủ theo đúng các yêu cầu, quy định pháp luật của nhà nước về quản lý an toàn đập, các quy chuẩn, quy phạm, phải tuân thủ đúng.
Trong những năm qua, nhất là gần đây, công tác quản lý an toàn đập đã được chú trọng và nâng cao đáng kể. Đối với các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên đều có thể hoàn toàn yên tâm và không dáng ngại. Riêng các dự án thủy điện nhỏ của tư nhân hiện vẫn chưa kiểm soát được nên rất khó có thể khẳng định có đảm bảo hay không. Tuy vậy, gần đây thì tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn đập hồ chứa đã được Bộ Công Thương tập trung kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro.
Cách đây 6 năm, thủy điện Đakrông 3 cũng bị vỡ đập nên cũng rút ra được bài học trong quá trình thi công là bước đầu tiên phải chọn được tư vấn và nhân lực thi công có kinh nghiệm. Vì công thủy điện du quy mô lớn hay nhỏ đều là phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố như thiên nhiên, thời tiết, mưa gió, bão và đặc biệt là yếu tố địa hình, địa chất nên cần có các cơ quan tổ chức kinh nghiệm thực hiện mới loại trừ được rủi ro.
PV: Các công trình thủy điện ở Việt Nam chủ yếu công bố về hiệu quả kinh tế mà không tính đến các tình huống rủi ro. Theo ông cần phải thực hiện quy trình này như thế nào?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Trước đây việc quan tâm đến an toàn đập thủy điện còn hạn chế, nhưng những năm gần đây thì việc quan tâm đã đi vào bài bản. Tuy nhiên, để thực hiện hết được các yêu cầu về an toàn đập cần phải có kinh phí rất lớn nên việc này chỉ được ưu tiên đối với các lưu vực lớn, các công trình lớn ảnh hưởng đến hạ du thì được bố trí kinh phí thực hiện phân tích chi tiết rủi ro, từ đó đưa ra kịch bản về thảm họa và hướng dẫn các địa phương cảnh báo.
Còn với thủy điện nhỏ hiện nay, theo quy định về an toàn đập sửa đổi, yêu cầu các dự án đều phải thực hiện các bước. Những công trình cũ chưa được quan tâm về an toàn cần phải được bổ sung, phân tích, tránh thiệt hại khi có rủi ro xảy ra.
PV: Từ thực tế vỡ đập thủy điện ở Lào, Việt Nam cần làm gì đối với các công trình thủy điện nhất là trong mùa mưa bão?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Qua sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập. Công tác này không lúc nào thừa, kể cả khi đã có chính sách tiến bộ thì công tác cảnh báo cũng cần phải được nâng cao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan.
Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức con người. Khi quy định pháp luật đã có, nếu không nâng cao ý thức của con người sẽ rất dễ để xảy ra những sự cố không đáng có.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
(lược ghi)
Ý kiến ()