Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 18:55 (GMT +7)
Vốn tín dụng chính sách “chuyển mình” cùng người dân
Thứ 3, 07/06/2022 | 11:30:00 [GMT +7] A A
Song song với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có bước phát triển tích cực, giúp người dân mạnh dạn đầu tư vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ghi nhận tại huyện Tân Thạnh.
Năm 2021, khi chuyển hướng từ cá tra bột và ếch sang nuôi tôm, nhờ chịu khó tìm tòi, áp dụng kỹ thuật xử lý nước, gia đình chị Trần Thanh Hồng, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh thắng lợi trong vụ đầu tiên với diện tích ao khoảng 3.000 m2, sản lượng đạt hơn 6 tấn, thu lời khoảng 400 triệu đồng. Qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các Hội, đoàn thể, chị Hồng vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng 2 vuông tôm.
Chị Trần Thanh Hồng – Ấp Nhơn Hòa, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh cho biết: “Lãi suất thì rất rẻ, giá quá hợp lệ, cũng như Nhà nước mình thường hay cho vay bằng giá đó, mà được cho mình cái là cái kia mình trả một lúc, còn này cho mình trả dần hàng tháng, trả dần dần từ từ hết số tiền của mình. Trong xã cũng nhiều người được như hoàn cảnh của mình, cũng nhiều người được ưu tiên như mình, nhiều người người ta cần số lượng ít như chăn nuôi gà vịt thì người ta chỉ vay 20 – 30 triệu đồng, còn như mình mở rộng lớn, mình muốn xin được vay 100 triệu đồng”.
Hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bắc Hòa đang quản lý nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 14 tỷ đồng, với gần 300 hộ vay thông qua 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó giải quyết việc làm cho gần 50 hộ, tổng số tiền vay 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chính sách, hàng năm có 3 - 4 hộ (do phụ nữ nghèo làm chủ hộ) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Kim Đính – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh thông tin: “Với nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH, riêng với Hội phụ nữ xã Bắc Hòa luôn bám sát theo dõi hộ vay đã vay rồi, về sử dụng vốn vay như thế nào, thường xuyên kiểm tra sau khi giải ngân 30 ngày, phối hợp với Tổ kiểm tra các hộ vay sử dụng đúng mục đích vay hay không, thường xuyên kiện toàn các tổ vay vốn cũng như họp bình xét công khai, trong mỗi lần họp có mời trưởng ấp cùng tham dự với Hội cũng như Tổ trưởng, các hộ dân đã vay vốn để bình xét công khai đúng đối tượng, đúng mục đích mà hộ vay có nhu cầu vay để sử dụng sau này, tránh trường hợp vay ké, hay là chiếm dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Trong quý I/2022, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thạnh hỗ trợ hơn 430 lao động vay vốn, tổng dư nợ gần 22 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Trọng Tín – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Thạnh nhấn mạnh: “Định hướng của Huyện ủy, Ủy ban thì đến giai đoạn của năm 2020 – 2025 chuyển đổi một số mô hình chuyển đổi cây trồng, bên cạnh đó, khi mức tăng vốn lên từ 50 – 100 triệu đồng thì nhiều hộ cũng đã có nhu cầu phát triển để mở rộng sản xuất trên rất nhiều mô hình hoạt động trên địa bàn huyện. Hiện tại trên địa bàn, những hộ vay đều thực hiện đúng mục đích, phương án có hiệu quả nên việc đóng lãi, gửi tiết kiệm để tích lũy trả nợ bà con thực hiện rất tốt, bên cạnh đó đến hạn phân kỳ là bà con đến hạn đều trả đúng theo quy định”.
Với nhiều giải pháp được triển khai kịp thời, phù hợp, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục là người bạn đồng hành để nông dân an tâm đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn và từng bước giải quyết các vấn đề an sinh xã hội./.
Thanh Thủy – Minh Hồng
Ý kiến ()