Tất cả chuyên mục

Thời điểm này, nông dân một số nơi trong tỉnh tập trung thu hoạch lúa Hè Thu năm 2025, trong khi đó, giá vật tư đầu vào tăng mạnh khiến lợi nhuận của nông dân chỉ ở mức thấp.
Lợi nhuận thấp
Vừa xuất bán gần 11 tấn lúa vụ Hè Thu, ông Nguyễn Văn Nghi, ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Hảo Đước, tỉnh Tây Ninh, cho biết, vụ này gia đình ông canh tác gần 4ha lúa, trong đó mới thu hoạch khoảng 1,7ha lúa OM 5451, giá bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái là 5.600 đồng/kg.
Theo ông Nghi, so với cùng kỳ năm trước, tình hình thời tiết năm nay có nhiều bất lợi, khi ngay từ đầu vụ có nhiều cơn mưa lớn liên tiếp, ẩm độ không khí cao nên bệnh tăng nhiều trong giai đoạn lúa đang trổ ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, giá lúa cũng giảm khoảng 800 - 1.000 đồng/kg nên lợi nhuận sau thu hoạch không được như mong đợi.
Đang thu hoạch hơn 1ha lúa OM 5451 tại ấp Voi, xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, nông dân Nguyễn Văn Bình cho biết, trước lúc thu hoạch, thương lái đến tận ruộng xem lúa và chốt giá 5.800 đồng/kg; với khoảng 12 bao lúa mỗi công, ông ước tính năng suất lúa vụ này khoảng 6,5 tấn/ha.
Giá phân bón tiếp tục tăng
So với đầu năm 2025, hiện giá nhiều loại phân bón vô cơ (phân bón hóa học) tăng từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng trên mỗi bao phân bón, loại 50 kg/bao. Giá tăng mạnh nhất là ở một số loại DAP và phân đạm (phân urê), còn phân bón NPK, kali và lân có mức tăng ít hơn.
Theo ông Bình, giá bán lúa vụ này bằng với vụ Đông Xuân vừa qua, trong khi năng suất thấp hơn mà chi phí đầu tư lại tăng do giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cao hơn vụ vừa rồi khoảng 15% nên lợi nhuận nông dân thu về sau 3 tháng cánh tác không cao.
Theo nhiều hộ dân thu hoạch lúa Hè Thu sớm tại các xã Phước Chỉ, Bến Cầu, Ninh Điền và Hảo Đước (tỉnh Tây Ninh), vụ này thường có chi phí đầu tư cao hơn vụ Đông Xuân do đất không còn dồi dào dinh dưỡng, lại có nhiều loại sâu, bệnh hại tồn tại từ vụ trước, do đó, để cây lúa sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao, nông dân phải tăng cường lượng phân bón và chủ động sử dụng các loại thuốc BVTV để hạn chế sâu, bệnh.
“Tổng chi phí đầu tư cho một ha lúa vụ này khoảng 28 triệu đồng/ha, gồm làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bơm tát, lúa giống, vật tư nông nghiệp, thuê công dặm lúa, thu hoạch,… Tất cả giá chi phí đều tăng, nhất là giá phân bón, trong khi năng suất giảm, giá bán thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 2.000 - 2.500 đồng/kg, nên việc có lãi sau thu hoạch dù ít cũng là điều đáng mừng” - một nông dân tại xã Bến Cầu chia sẻ thêm.
Theo một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các xã Thanh Điền, Ninh Điền, Bến Cầu, giá các loại phân đạm (urê) như Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau,… đang ở mức 600.000 - 650.000 đồng/bao. Mức giá này cao hơn khoảng 70.000 - 100.000 đồng/bao, tùy loại so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều loại phân DAP khác cũng được bán với giá khá cao. Giá DAP Hàn Quốc từ 1.200.000 - 1.300.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt vàng, DAP Nga hạt đen và hạt xanh ở mức 960.000 - 1.100.000 đồng/bao.
Còn giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò và Bình Ðiền đang ở mức 1.000.000 - 1.100.000 đồng/bao. Giá Kali (Nga, Belarus, Israel) ở mức 460.000 - 580.000 đồng/bao. Phân lân (Long Thành) giá 250.000 - 260.000 đồng/bao, lân (Văn Ðiển) ở mức 300.000 - 320.000 đồng/bao,…
Để các loại vật tư nông nghiệp đến được tay nông dân phải qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá bán bị đội lên cao so với giá tại các nhà máy sản xuất và đầu mối nhập khẩu. Giá phân bón tăng kéo theo chi phí sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng khác cùng tăng theo, khiến cho lợi nhuận của nông dân bị sụt giảm, trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều loại nông sản không còn duy trì được mức giá cao như cùng kỳ năm trước./.
Ý kiến ()