Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 05/01/2025 08:15 (GMT +7)
Vượt vách đá dựng đứng ở Bát Xát, khám phá ‘đại dương’ mây
Thứ 4, 05/04/2017 | 10:14:00 [GMT +7] A A
Không phải là thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng như Sa Pa, cũng không ngút ngàn hoa mơ, mận, tam giác mạch… khoe sắc như cao nguyên trắng Bắc Hà, huyện Bát Xát (Lào Cai) hấp dẫn du khách bởi loại hình du lịch khá mới mẻ và mạo hiểm: chinh phục đỉnh cao.
Những du khách bên “biển” mây ở Lảo Thẩn. |
Nếu như tỉnh Lào Cai sở hữu 3/10 ngọn núi cao nhất Việt Nam (theo danh sách nhóm bạn trẻ từ diễn đàn VietTrekking.vn đưa ra sau những chuyến đi và đo đạc), riêng huyện Bát Xát đã có 2 đỉnh núi có tên trong danh sách này đó là Bạch Mộc Lương Tử và Nhìu Cồ San với độ cao trên dưới 3.000m so với mực nước biển, có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thảm thực vật vô cùng phong phú.
Chốn bồng lai Bạch Mộc
Cứ vào dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm, khi hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên núi cao cũng là thời điểm thích hợp bắt đầu cho mùa chinh phục đỉnh cao của dân “du lịch bụi”. Theo các du khách, đây là lúc thời tiết mát mẻ, khô ráo thuận tiện cho việc leo núi cộng với khung cảnh mây trời trong xanh và đặc biệt là thời điểm hoa rừng khoe sắc nhất.
Nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Bạch Mộc Lương Tử (còn gọi là Ky Quan San) là ngọn núi cao thứ 4 Việt Nam, đạt độ cao 3.046m so với mực nước biển. Anh Porter A Khoa, người dân tộc Mông ở địa phương đã cùng nhiều đoàn chinh phục thành công đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử chia sẻ, có 2 con đường để chinh phục Bạch Mộc.
Một theo lối bản Dền Sung, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với thời gian 4 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, du khách thường xuất phát theo lối đi thứ hai, phổ biến hơn với khả năng săn mây và thấy nhiều cảnh đẹp đó là đi từ xã Sàng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát, thời gian chinh phục mất 3 ngày 2 đêm leo núi.
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. |
Thử thách mà bất kỳ ai cũng phải vượt qua nếu muốn chạm tới đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thành công là những vách đá dựng đứng giữa trời và đất, với 30km băng rừng, lội suối, đường núi chênh vênh, hiểm trở.
Hành trình gian nan, nguy hiểm là vậy nhưng mỗi du khách đến với ngọn núi này đều không nản lòng và chùn bước bởi đâu đó trên chặng đường dài sẽ bắt gặp những đàn dê nhỏ xinh của người dân thấp thoáng dưới lùm cây hay ngỡ ngàng với nhiều loại hoa rừng đẹp, lạ mắt như đỗ quyên, hoàng liên, lan rừng…
Ngoài ra, trên hành trình du khách sẽ còn gặp những con suối thơ mộng của đại ngàn Bạch Mộc đang tấu lên khúc nhạc tươi vui rộn ràng.
Sau khi vượt qua những chướng ngại vật khó khăn, du khách sẽ được đặt chân đến đỉnh cao nhất. Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử giống như nơi giao thoa giữa trời và đất, còn biển mây là tấm chăn bông mềm xốp khổng lồ khiến ta dễ đắm say. Chứng kiến khung cảnh đó, dường như mọi mệt mỏi đều tan biến, thật đúng là bồng lai tiên cảnh dưới hạ giới.
Anh Lê Văn Sơn, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Cái cảm giác khẽ chạm tay vào cột inox có chữ Bạch Mộc Lương Tử hay hôn nhẹ lên lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh khiến cho con tim mình bồi hồi và đong đầy cảm xúc về mảnh đất mù sương biên giới.
Từ đây, nhìn bao quát khắp nơi mới thấy không gian rộng lớn làm sao, phóng tầm mắt về phía xa là những khối núi đang trồi lên giữa biển mây, đứng từ đây có thể nhìn thấy được Fansipan (huyện Sa Pa), Pu Ta Leng và Pu Si Lung (tỉnh Lai Châu)”.
Đại gia đình Nhìu Cồ San
Ở Bát Xát có hai dãy núi Nhìu Cồ San bố và Nhìu Cồ San mẹ hay còn gọi là Lảo Thẩn, theo tiếng dân tộc có nghĩa là “chiếc sừng trâu”. Hai “chiếc sừng trâu” nhọn hoắt này nằm đối diện nhau vươn mình sừng sững thoắt ẩn thoắt hiện giữa mây trời.
Theo anh Porter A Hờ, người dẫn đường địa phương, vì Lảo Thẩn có nhiều núi con xung quanh dưới chân đỉnh nên được gọi là Nhìu Cồ San mẹ. Nằm trên độ cao 2.826m, đỉnh Lảo Thẩn (thôn Phìn Hồ, xã Ý Tý) có cảnh đẹp hoang sơ, kỳ vĩ như một bức tranh thiên nhiên tự tạo.
“Biển” mây trắng che phủ những đỉnh núi vùng Tây Bắc. |
Đây cũng là nơi mặt trời dậy sớm và đi ngủ muộn nhất vùng Y Tý. Điểm đến mới nổi này được dân phượt đặc biệt yêu thích bởi biển mây vô cùng lộng lẫy kéo dài từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Nếu như Bạch Mộc Lương Tử mùa này ngập trong hương sắc thảo quả và hoa đỗ quyên thì du khách leo Lảo Thẩn thỏa thích ngắm nhìn hoa sơn tra và đào rừng bung nở. Mặc dù cung đường không mấy khó khăn cho việc di chuyển nhưng từ chân núi lên đến điểm nghỉ phải mất 4-5 giờ.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại điểm nghỉ, hôm sau, du khách tiếp tục hành trình leo đến đỉnh núi Lảo Thẩn mất khoảng 1 giờ. Nắng sẽ làm trời trong hơn và mây dâng lên khiến bạn có thể tiếp cận gần hơn với sóng mây. Giữa đại ngàn trập trùng sóng mây là những dãy núi nhấp nhô.
Khung cảnh khiến người ta có cảm giác nơi đây tựa như một bờ biển hoang sơ tuyệt đẹp với sóng mây cùng bầu trời trong xanh, không khí khô và lạnh. Những con đường trên sóng mây xuyên qua núi, qua khu rừng huyền bí và đồng cỏ bao la khiến đôi chân lữ hành ngẩn ngơ quên đường về… Đứng trên đỉnh Lào Thẩn sẽ càng mê mẩn hơn khi tận mắt nhìn thấy Nhìu Cồ San bố vươn mình sừng sững giữa đại ngàn.
Du khách trong hành trình chinh phục đỉnh cao ở Bát Xát. |
Chinh phục đỉnh cao ở Bát Xát còn giúp du khách rèn luyện và trưởng thành từ những gian khổ, nỗi sợ hãi khi đối mặt với hiểm nguy.
Đồng thời, giúp bạn chiến thắng bản thân, thỏa mãn sự trải nghiệm cuộc sống, tự do khám phá nét đẹp của thiên nhiên và thể hiện cá tính, đam mê của những người trẻ dám đi và dấn thân để khi trở về thêm yêu, tự hào về quê hương đất nước.
“Bát Xát có rất nhiều đỉnh núi cao được dân phượt thích khám phá và nhanh chóng trở thành những điếm đến mới đầy hấp dẫn. Hầu như những ngọn núi ở Bát Xát còn hoang sơ, hiểm trở, để chinh phục những ngọn núi an toàn, trước khi leo mỗi du khách cần xây dựng lịch trình cụ thể, tính toán kỹ thời gian, liên hệ trước người dẫn đường, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống và những nhu yếu phẩm cần thiết.
Đặc biệt, người tham gia phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt và những vật dụng cần thiết khi leo núi”, anh Nguyễn Mạnh Cường, một dân phượt chia sẻ.
Ý kiến ()