Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 07:09 (GMT +7)
WEF 48: Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt
Thứ 4, 24/01/2018 | 16:16:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) từ 23-26/1/2018.
Từ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế…
Theo giới quan sát, sự bất ngờ của WEF 48 so với các năm trước là kỷ lục về số lượng đại biểu tham dự, bao gồm hơn 3.000 đại biểu tham dự đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 70 nguyên thủ, 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp.
Lần đầu tiên sau gần 10 năm diễn ra cuộc đại khủng hoảng, nền kinh tế thế giới mới có sự phục hồi và tăng trưởng tương đối vững chắc, với kinh tế đầu tàu (Mỹ) khởi sắc; EU tuy với mức độ thấp hơn, nhưng bất chấp đàm phán Brexit đang diễn ra, khủng hoảng chính phủ ở Đức, vấn đề người nhập cư vẫn phức tạp; châu Á tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng.
Hàng loạt chính sách kinh tế khác nhau của các nước có hiệu quả tương đối rõ rệt đưa đến việc bình ổn giá cả năng lượng, hàng hóa; lòng tin của giới kinh doanh được cải thiện dựa trên sự kỳ vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu và chính sách mới về tăng trưởng của Trung Quốc.
Xuất hiện những yếu tố của sự tăng trưởng bền vững như kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện nhờ tiến trình số hóa, đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn do ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; thương mại toàn cầu đã và đang diễn ra sôi động, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Những rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập có dấu hiệu lắng xuống kể từ khi các ứng viên chính trị dân túy cực hữu ở châu Âu đón nhận thất bại trong các cuộc bầu cử. Đối với Mỹ, năm 2017 người ta còn lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ “chiến tranh thương mại” do chính sách “khác lạ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump mang lại… nhưng trên thực tế ông Trump cũng đã có sự điều chỉnh nhất định, thể hiện trong chuyến công du châu Á và sự ca ngợi của ông đối với APEC (một tổ chức đa phương) hồi tháng 11 năm ngoái ở Đà Nẵng (Việt Nam). Ngoài ra, vẫn còn những thách thức lớn tiềm ẩn mà các nhà lãnh đạo thế giới cần phải quan tâm.
Đến đối mặt với những thách thức lớn về an ninh…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, WEF 48 năm nay còn phải quan tâm đến những mối đe dọa bởi những thách thức từ những yếu tố tiền an ninh.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh kinh tế, do sự phục hồi ở nhiều nền kinh tế còn thiếu tính thuyết phục về tốc độ đầu tư; độ trễ của công nghệ “chuyển hóa” thành năng suất; tiêu dùng chậm lại; vấn đề tài chính – tiền tệ diễn biến phức tạp và chứa nhiều yếu tố rủi ro.
Các nguy cơ mang tính chất địa – chính trị vẫn tồn tại như, hệ lụy của đàm phán Brexit giữa Anh và EU; EU 27 đang cải cách; chủ nghĩa bảo hộ có thể dâng cao, “chiến tranh thương mại” vẫn chưa bị loại trừ; vấn đề người nhập cư ở châu Âu, nhất là sự cọ sát các đại chiến lược của các nước lớn.
Về an ninh quân sự, nguy cơ tái bùng phát các “điểm nóng” trên thế giới như Triều Tiên, Trung Đông, một số vùng biển…, nhất là ở Trung Đông do những động thái mới của một số nước như: Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria; Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái dưới danh nghĩa khủng bố vào căn cứ quân sự của Nga ở Syria…
Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nội dung chủ đạo mà Diễn đàn quan tâm. Năm 2017, thiệt hại từ biến đổi khí hậu lớn hơn nhiều so với dự báo, cả về cấp độ nguy hiểm và tính phức tạp, điển hình là các cuộc tàn phá của thiên nhiên ở Mỹ và Việt Nam. Theo dự báo, năm 2018 tình hình còn phức tạp hơn, trong 5 rủi ro toàn cầu thì thời tiết cực đoan và thiên tai được xếp ở vị trí số 1 và số 2; về tầm ảnh hưởng chỉ đứng sau sức công phá của vũ khí hạt nhân.
Và kỳ vọng ở tương lai…
Như vậy, trong một thế giới biến động và có những dấu hiệu chia tách như vừa qua, WEF 48 được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để lãnh đạo và giới doanh nghiệp hàng đầu thế giới nghiêm túc thảo luận, thúc đẩy sự hợp tác đa phương rộng lớn, bao trùm hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là nơi các nước, các bên có thể tìm thấy sự đồng thuận về các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình hiện nay.
CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN
Ý kiến ()