Thứ Hai, 20/01/2025 05:04 (GMT +7)

Xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở năng động, tự cường và hòa bình

Thứ 3, 01/12/2020 | 09:42:00 [GMT +7] A  A

Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 diễn ra ngày 20/11/2020 đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết “Tầm nhìn APEC đến năm 2040 – Xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở năng động, tự cường và hòa bình” của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN

Sau đây là nội dung bài viết:

Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 diễn ra ngày 20/11/2020 đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Văn kiện quan trọng này đánh dấu khởi đầu của một hành trình mới của hợp tác APEC, với khát vọng và tầm nhìn chiến lược của 21 thành viên về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển biến phức tạp, khó lường, hợp tác đa phương trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040 đã tạo xung lực mới thúc đẩy đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, khẳng định vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu, đồng thời góp phần củng cố niềm tin đối với chủ nghĩa đa phương.

25 năm kiên trì theo đuổi các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư và những kỳ tích về tăng trưởng và liên kết kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương

Chỉ năm năm sau khi thành lập, ngay tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 2 tại Bogor, Indonesia tháng 11/1994, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020. Mục tiêu này trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động của APEC trong suốt hơn hai thập kỷ qua, đưa APEC từ chỗ bị phân tán trở thành một thị trường ngày càng gắn kết; từ chỗ là diễn đàn với 12 thành viên sáng lập trở thành một cơ chế có vai trò quan trọng hàng đầu, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương.

Với quyết tâm thực hiện các Mục tiêu Bogor và nỗ lực bền bỉ của các nền kinh tế thành viên trong quá trình mở cửa, phát triển và hội nhập, sau hơn 30 năm kể từ khi APEC hình thành, châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển mình trở thành khu vực phát triển năng động nhất, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Dòng thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế APEC đã tăng mạnh mẽ. Tổng thương mại hàng hóa trong APEC tăng gấp 5 lần, với tốc độ trung bình 6,7% một năm, từ 4,1 nghìn tỉ USD năm 1994 lên 19 nghìn tỉ USD năm 2019.

APEC đi đầu trong các nỗ lực xoá nghèo và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với GDP thực tế đầu người khu vực tăng gấp đôi trong giai đoạn 1994-2018, với gần 1 tỷ người dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Việc thực hiện các Mục tiêu Bogor đã thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng, thể hiện qua sự mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do và gia tăng gắn kết giữa các nền kinh tế. APEC cũng đạt những bước tiến nổi bật trong việc thuận lợi hoá thương mại, nhất là đơn giản hoá thủ tục, quy trình thương mại, kinh doanh, tạo thuận lợi cho đi lại của doanh nhân với Chương trình Thẻ doanh nhân APEC, tăng cường chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư…

Bên cạnh đó, APEC phát huy vai trò là diễn đàn khởi xướng các ý tưởng về những vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, định hướng, điều phối với các khuôn khổ liên kết kinh tế khu vực, góp phần xây dựng cấu trúc hợp tác đa tầng nấc và tạo ra sự năng động trong liên kết kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương. Các Hiệp định thương mại tự do nổi bật như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), ý tưởng hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)… được bắt nguồn từ APEC và do nhiều thành viên APEC giữ vai trò chủ đạo.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 – duy trì vị thế đặc biệt của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, là “vườn ươm” các ý tưởng mới và hiệu quả

Trong Tuyên bố Tầm nhìn APEC vừa được thông qua, các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí “Tầm nhìn của chúng tôi là một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai”.

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc, cục diện quan hệ quốc tế và cấu trúc khu vực mới đang định hình, trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ và những diễn biến phức tạp, đan xen của các thách thức toàn cầu, Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040 là thông điệp mạnh mẽ khẳng định chính sách của các thành viên tiếp tục coi trọng vai trò của châu Á – Thái Bình Dương và diễn đàn APEC.

Với cam kết giữ vững các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc và dựa trên đồng thuận, để hiện thực hóa Tầm nhìn, các nhà Lãnh đạo đã xác định 3 trụ cột hợp tác của APEC trong thời gian tới.

Đó là tiếp tục thúc đẩy những giá trị cốt lõi mà APEC đã theo đuổi trong suốt ba thập kỷ qua về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Đó là đẩy mạnh đổi mới và số hóa, coi đây là động lực mới để thích ứng với những thay đổi căn bản do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và sẽ tạo ra.

Đó là tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm nhằm giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt.

Những trụ cột hợp tác quan trọng này sẽ bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của châu Á – Thái Bình Dương, tính năng động và khả năng thích ứng của cộng đồng APEC.

Về thương mại và đầu tư, APEC sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định. Các nền kinh tế APEC đề cao ý nghĩa của các cam kết đã được thống nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả và các dòng chảy thương mại quốc tế ổn định và dễ dự đoán.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 nhấn mạnh ý tưởng tham vọng về một Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) với những cam kết tiêu chuẩn cao và toàn diện. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trong ba năm qua đã chứng kiến sự hình thành của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới, như CPTPP và RCEP.

Về đổi mới, sáng tạo và số hóa, APEC sẽ phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh môi trường thuận lợi và vận hành theo định hướng thị trường đối với kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế đúng đắn. Trong đó, các nền kinh tế cần có cách tiếp cận toàn diện, bao trùm đối với kinh tế số, tăng cường cơ sở hạ tầng số, đẩy nhanh chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, giải quyết những “điểm nghẽn” trong hợp tác kinh tế số như lưu chuyển dữ liệu, trên cơ sở phù hợp với năng lực và trình độ của từng nền kinh tế.

Về tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm, APEC đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực toàn diện và hợp tác kinh tế kỹ thuật gắn với quá trình số hóa, đồng thời thúc đẩy các chương trình hợp tác nhằm bảo đảm tăng trưởng chất lượng và khả năng chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng trong tương lai.

Có thể khẳng định, cùng với Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 (tháng 11/2020), việc xây dựng và triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 tiếp tục khẳng định tinh thần hợp tác, đóng góp trách nhiệm của các nền kinh tế trong khu vực, vì sự phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, ổn định của châu Á – Thái Bình Dương trong hai thập kỷ tới.

Quyết định thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC tháng 11/2017 tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng – sáng kiến quan trọng của Việt Nam.

Trong hơn 20 năm tham gia APEC một cách chủ động, tích cực, năng động và đầy sáng tạo, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của diễn đàn. Với vai trò chủ nhà APEC năm 2006, chúng ta đã ghi dấu với ý tưởng hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, hiện tiếp tục được xác định là một trong những định hướng của khu vực trong hai thập kỷ tới.

Là chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam một lần nữa tô đậm dấu ấn trong tiến trình hợp tác APEC với Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng khẳng định thông điệp mạnh mẽ quyết tâm thúc đẩy liên kết kinh tế, các sáng kiến về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số… và đặc biệt là sáng kiến hình thành Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020.

Trong ba năm qua, chúng ta tiếp tục có những đóng góp thiết thực và nổi bật trong tiến trình này. Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, chúng ta đã khéo léo chủ trì, điều hành và thúc đẩy đồng thuận chung trong xây dựng Báo cáo của Nhóm về Tầm nhìn APEC; cùng với các thành viên ASEAN chủ động đề xuất nhiều ý tưởng phù hợp với quan tâm chung nhằm tiếp tục đề cao vai trò của châu Á – Thái Bình Dương, lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa, cải cách cơ cấu, kết nối con người, hợp tác kỹ thuật,… Các đề xuất và ý tưởng của ta đã được lồng ghép trong văn kiện Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Những đóng góp quan trọng kể trên đã góp phần triển khai hiệu quả chủ trương của Đại hội XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về nâng tầm và đẩy mạnh đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là ưu tiên trong triển khai đối ngoại của chúng ta trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước.

Với thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới và hành trang hơn 20 năm tham gia APEC, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực đóng góp triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, góp phần biến những tầm nhìn và ước vọng của chúng ta ngày hôm nay thành “trái ngọt của hoà bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực”, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ thông qua Tuyên bố Tầm nhìn APEC ngày 20/11 vừa qua.

TTXVN/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/xay-dungcong-dong-chau-a-thai-binh-duong-mo-nang-dong-tu-cuong-va-hoa-binh-20201130225344341.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu