Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 07:52 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới gắn với OCOP và du lịch làng nghề
Thứ 2, 09/11/2020 | 10:41:00 [GMT +7] A A
Thực hiện nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới… là những điểm nhấn trong chặng đường về đích nông thôn mới của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong gần 10 năm qua.
Làng nghề đan đó xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Điểm nhấn từ chương trình “tam nông”
Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình xây dựng nông thôn mới toàn huyện từ năm 2011 đến nay là hơn 3.800 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ nhân dân là hơn 1.050 tỷ đồng.
Toàn huyện đã nâng cấp và làm mới gần 300 km đường giao thông nông thôn, gần 200 km đường nội đồng, nhân dân tự đóng góp trên 10.000 ngày công và trên 50 tỷ đồng, hiến gần 400.000 m2 đất. Nhiều xã thực hiện tốt huy động nguồn lực từ cộng đồng để làm đường ngõ xóm như xã Hải Triều, Nhật Tân, An Viên, đặc biệt là xã Nhật Tân huy động từ người dân trên 5 tỷ đồng, trên 1.000 ngày công, hiến 870 m2 đất thổ cư và trên 1.000 m2 đất nông nghiệp để làm đường.
Theo ông Nguyễn Đức Lăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ, điểm nhấn nổi bật của huyện trong sản xuất là phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với trọng tâm xây dựng mô hình hợp tác xã, hình thành nhiều hợp tác xã điển hình như: HTX Nấm Thành Yên (xã Trung Dũng), HTX Rau an toàn Chiến Thắng, HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp (xã Đức Thắng), HTX chăn nuôi thôn An Tào (xã Cương Chính)…
Toàn huyện đã chuyển đổi được 650 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng sản xuất rau xã Thiện Phiến; vùng cây ăn quả xã Nhật Tân, Thủ Sỹ, Hải Triều, Ngô Quyền, Hưng Đạo; vùng trồng hoa cây cảnh xã Thụy Lôi; vùng sản xuất dưa lưới trong nhà lưới tại xã Thiện Phiến.
Tiên Lữ hiện có hơn 40 mô hình sản xuất hiệu quả với 36 giống lúa và 2 giống cây ăn quả, duy trì 2 cánh đồng liên sản xuất lúa giống tại xã Hưng Đạo và Nhật Tân với diện tích trên 300 ha/năm. Ngoài ra, huyện còn có 3 vùng sản xuất VietGAP diện tích 60 ha nhãn và cây có múi tại các xã Hưng Đạo, Nhật Tân, Hải Triều; chứng nhận VietGAP sản phẩm cho 4 hợp tác xã và 5 cơ sở chế biến thực phẩm ở các xã Trung Dũng, Minh Phượng, Cương Chính, Thiện Phiến, Đức Thắng.
Chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng an toàn sinh học, quy mô công nghiệp; trong đó áp dụng công nghệ kỹ thuật mới và cơ giới hóa như: đầu tư máy thái, chuồng chế biến thức ăn, xử lý chất thải, máy điều tiết nước, khuấy oxy, máy hút bùn cải tạo đáy ao, máy trộn thức ăn…
Từ các vùng sản xuất, Tiên Lữ đã thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, xuất hiện nhiều mô hình cây ăn quả đặc sản cho thu hơn 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình hợp tác xã rau, màu thu lãi gần 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình hợp tác xã thủy sản hoặc mô hình lúa – cá cho thu từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện hiện có hơn 50 mô hình kinh tế trang trại, tạo việc làm cho trên 250 người, tổng doanh thu 150 tỷ đồng.
Giữ hồn cốt nông thôn để hình thành làng du lịch
Tiên Lữ có vị trí tiếp giáp thành phố Hưng Yên, có Khu Đại học Phố Hiến và các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 38B, 39A đi Hải Dương, Thái Bình, đường nối Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ Ninh Bình, đường Đê tả Sông Luộc… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nhanh trên mọi lĩnh vực.
Bí thư Huyện ủy Tiên Lữ Doãn Anh Quân cho biết, cùng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, Tiên Lữ đang tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động. Huyện chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là việc tập trung xây dựng các làng nghề hiện có ở các địa phương thành các làng văn hóa du lịch trong Chương trình OCOP.
Trên địa bàn huyện có 3 làng nghề được công nhận và đang hoạt động gồm: làng nghề mành thôn Đa Quang xã Dị Chế; làng nghề đó, rọ thôn Tất Viên và thôn Nội Lăng xã Thủ Sỹ. Các làng nghề này đang phát triển theo hướng gắn với du lịch cộng đồng thuộc Chương trình OCOP, quy mô sản xuất ổn định, thị trường phát triển, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động.
Để khai thác tiềm năng các làng nghề, huyện tiếp tục hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nghề; trọng tâm là nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới để tăng cường tính liên doanh, liên kết thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề phát triển thành làng du lịch, nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
Huyện cũng coi trong xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư, đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan các mô hình thôn xóm xanh – sạch – đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn về lâu dài, nhằm bảo tồn những giá trị hồn cốt văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng như hình thành các vành đai sinh thái xanh từ các vùng trồng cây ăn quả nhãn lồng, sen ở các xã ven sông Luộc.
Nông thôn Tiên Lữ thực sự bình yên, trở thành những miền quê đáng sống, thu hút những người làm việc ở các khu đô thị, khu công nghiệp về sinh sống.
https://baotintuc.vn/dia-phuong/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-ocop-va-du-lich-lang-nghe-20201108160013762.htm
Ý kiến ()