Thứ Hai, 13/01/2025 16:45 (GMT +7)

Xóa bỏ cơ chế “lúc thắt, lúc mở” làm khó khu vực kinh tế tư nhân

Thứ 7, 23/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ hơn tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Đại hội XII đã xác định rõ hơn đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Ngoài các đặc trưng mà các Đại hội trước đây đã nêu, lần đầu tiên Văn kiện Đại hội XII đã bổ sung thêm các đặc trưng mới, khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng XHCH ở Việt Nam là nền kinh tế được vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế…

Nhìn nhận mới về khu vực kinh tế tư nhân

Khác với các giai đoạn trước, chúng ta coi “kinh tế tư nhân là một trong các động lực của nền kinh tế”, lần này Văn kiện Đại hội XII khẳng định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nhận thức về kinh tế tư nhân là động lực quan trọng xuất phát từ thực tiễn hết sức sinh động của nền kinh tế đất nước. Trong những năm qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân đã làm nên sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Trong quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vươn ra bên ngoài và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.

xoa bo co che "luc that, luc mo" lam kho khu vuc kinh te tu nhan hinh 0
Văn kiện Đại hội XII khẳng định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” (Ảnh: KT)
“Lực lượng doanh nhân Việt Nam đông đảo rộng khắp ở mọi loại hình và quy mô, đang có tiếng nói và vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết sách phát triển đất nước. Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó. Việc coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế chắc chắn là nguồn cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn mới”- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, Văn kiện Đại hội XII đã khẳng định một mức độ mới vai trò của kinh tế tư nhân. “Điểm quan trọng nhất là Đại hội XII đã chính thức khẳng định vai trò “động lực quan trọng” của nền kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Khẳng định vai trò này cho thấy, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của kinh tế tư nhân và cùng với nó là sự tôn trọng sở hữu tư bản tư nhân và vai trò của tư bản tư nhân trong phát triển kinh tế.

Theo TS Phạm Việt Dũng, Tạp chí Cộng sản, từ Đại hội X, khi kinh tế tư nhân được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô, thành phần kinh tế này đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Nghị quyết Đại hội XII đã có một bước phát triển mới về nhìn nhận vai trò kinh tế tư nhân, đó là sự xác nhận “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” trong sự phát triển của đất nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc coi phát triển kinh tế tư nhân là một bộ phận của công cuộc phát triển lực lượng sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

“Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc phát triển kinh tế tư nhân cũng còn là một nhân tố không chỉ đảm bảo cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn cùng với Nhà nước tham gia vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…”- TS Phạm Việt Dũng nhận định.

Xóa bỏ cơ chế “lúc thắt, lúc mở” làm khó khu vực kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, theo TS Phạm Việt Dũng, cũng cần khẳng định, kinh tế tư nhân dù có phát triển đến đâu cũng không thể thách thức vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Doanh nhân Việt Nam dù giàu có và thành đạt trong kinh doanh đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có thể trở thành một nhân tố thách thức sự điều tiết kinh tế của Nhà nước.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế hoàn toàn không hàm ý sự phân biệt đối xử mà với ý nghĩa là tùy thuộc vào chức năng của mỗi thành phần kinh tế để xác định vai trò của chúng. Kinh tế Nhà nước với các nguồn lực, công cụ, chính sách của mình chủ đạo trong việc định hướng và điều tiết nền kinh tế, đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế…

TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, nhận thức “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” không phải là một sự chệch hướng, ngược lại nó cho thấy cách nhìn toàn diện, khoa học hơn về vấn đề sở hữu, thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa các loại hình sở hữu từ phương diện sự thống nhất giữa chúng, thay vì nhìn nhận mối quan hệ này theo hướng tuyệt đối hóa các mâu thuẫn giữa chúng. Thực tế cho thấy khi có những đảm bảo về quyền theo hướng hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh tế thì mới thúc đẩy kinh tế cũng như xã hội phát triển.

Theo PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế là bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của các khu vực kinh tế từ phương diện sở hữu. Khu vực kinh tế Nhà nước dần nhường chỗ cho khu vực kinh tế tư nhân thực hiện vai trò động lực tăng trưởng, vì chỉ có khu vực kinh tế tư nhân mới có thể có sự năng động, từ đó tạo sự phát triển năng động của nền kinh tế.

“Khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo không phải trong nhiệm vụ định hướng phát triển cho nền kinh tế, mà chuyển sang vai trò là “nền tảng” có điều kiện, có thời hạn và chủ yếu giữ vai trò “đầu tư mồi” cho phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Việc khẳng định rõ hơn quan điểm về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế ở nước ta như vậy sẽ định hướng cho việc hoạch định cơ chế, chính sách tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh tế sở hữu phát triển”- PGS.TS Vũ Hùng Cường nhận định.

Để khu vực khu vực kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản cho sự phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn tới, theo PGS.TS Vũ Hùng Cường, một trong những quan điểm mấu chốt là phải tạo được sự đồng thuận cơ bản trong quan điểm trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước. “Tình trạng cơ chế lúc thắt, lúc mở gây nên những khó khăn, cản trở cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân. Cần tuyên truyền để các tầng lớp xã hội nhận thức sâu sắc rằng việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tạo điều kiện để khu vực này phát huy được vai trò động lực trong phát triển kinh tế”./.

Minh Hòa/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu