Thứ Hai, 20/01/2025 00:54 (GMT +7)

Xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách

Thứ 4, 18/12/2019 | 15:37:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam là vấn đề cấp bách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phục vụ phát triển đất nước.

Sáng 18/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo định hướng xác định tiêu chí phục vụ quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả, lựa chọn công nghệ thực hiện các dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Giao phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu tướng Ngô Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) khẳng định: “Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề cấp bách được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm giải quyết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, phục vụ cho phát triển đất nước”.

Cũng theo Thiếu tướng Ngô Ngọc Giao, đây còn là công việc có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc; là vấn đề liên ngành, thậm chí có tính chất quốc tế cần sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết.

Những năm qua, các đơn vị, cơ quan chức năng đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, chống lan tỏa, tổ chức xử lý hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tiến sĩ Thân Thành Công báo cáo về công tác xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.

Trong khi đó, trong phần báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Thân Thành Công, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 701 cho biết, trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng tới 80 triệu lít chất diệt cỏ phun rải lên hơn 1/4 diện tích đất đai của Việt Nam.

Tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại nhiều khu vực ở Việt Nam là đáng lo ngại, trong đó, khối lượng đất nhiễm ở sân bay Đà Nẵng là 150.000m3, nồng độ ô nhiễm cao nhất là 365.000ppt, con số này tại các sân bay Phù Cát tương ứng là 7.500m3 và 238.000ppt và ở sân bay Biên Hòa là 515.000m3 và 962.560ppt.

Tiến sĩ Công nhấn mạnh, việc xử lý chất độc hóa học/dioxin tồn lưu là rất cấp thiết bởi số hóa chất độc hại này đã gây thiệt hại tức thời lên hơn 90 triệu m3 gỗ tại các khu rừng ở Việt Nam. Trong đó, hơn 150.000ha rừng ngập mặn ở Nam Bộ và nhiều hệ sinh thái rừng phong phú ở miền Nam Việt Nam bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, số hóa chất độc hại nói trên còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước tại các khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ, nơi được sử dụng để lưu chứa, vận chuyển, đổ thải chất diệt cỏ trong chiến dịch Ranch Hand (diễn ra từ năm 1961-1965) và chiến dịch Pacer Ivy (từ tháng 1/1971-4/1972) tại các sân bay Biên Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng…) và các khu vực lân cận.

Tiến sĩ Công dẫn báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, chất độc hóa học/dioxin có thể gây ra 8 loại bệnh ung thư đối với con người như ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan… cùng các bệnh về thần kinh, rối loạn tâm thần và các loại dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Theo Tiến sĩ Công, dù công tác xử lý chất độc hóa học/dioxin đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa thực sự làm chủ được công nghệ xử lý, mức độ ô nhiễm cao lại có phạm vi rộng, trong khi đó nguồn lực phục vụ công tác xử lý lại được các đơn vị tài trợ chia thành nhiều đợt khiến thời gian xử lý bị kéo dài.

Toàn cảnh Hội thảo.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Tiến sĩ Công đề xuất, các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường; tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam cũng như hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các nhà thầu để thực hiện tốt các nội dung của Dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Biên Hòa đảm bảo tuân thủ quy định của Mỹ và Việt Nam./.

https://vov.vn/tin-24h/xu-ly-chat-doc-hoa-hocdioxin-o-viet-nam-la-nhiem-vu-cap-bach-991294.vov

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu