Thứ Năm, 03/07/2025 20:48 (GMT +7)

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch sao cho hiệu quả?

Thứ 3, 26/03/2019 | 14:50:00 [GMT +7] A  A

Quan niệm của nông dân từ xưa đến nay thì việc đốt đồng có một số lợi ích như không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh trong quá trình sản xuất và tận dụng tro để cải tạo đất… Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại.

Sau thu họach, lượng rơm rạ rất lớn trên đồng ruộng cần được thu gom, xử lý

Hiện nay, nông dân huyện Mộc Hóa đang thu hoạch lúa Đông Xuân, lượng rơm rạ rất lớn và hầu hết nông dân chọn cách xử lý rơm rạ bằng cách đốt đồng. Tình trạng này vẫn tiếp diễn suốt nhiều năm qua, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây lãng phí.

Vụ Mùa năm nay, gia đình anh Phan Phước Thành, ngụ ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung có khoảng 1 mẫu rưỡi ruộng, lúa hiện đã thu hoạch xong và đang tiến hành dọn đất để chuẩn bị cho vụ mùa sau. Sau khi rơm rạ được máy cuộn lại để mang về nhà anh thuê người cắt gốc rạ, đợi vài ngày cho rơm khô ráo hẳn thì châm ngòi lửa để đốt. Theo quan niệm nhiều nông dân đốt rơm không tốn công mà lại tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên ruộng, phần tro còn lại có thể bón lại cho ruộng rất tốt. Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ làm lãng phí một nguồn nguyên liệu để tái chế làm phân bón sinh học. Quá trình đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, nếu đốt nhiều lần sẽ gây chai cứng và làm cho đất bị biến chất. Nhiều nông dân vẫn chưa nắm được hết tác hại do việc đốt đồng để lại hoặc nắm được nhưng chưa có cách xử lý rơm rạ hiệu quả hơn.

Những đám khói đốt đồng trắng xóa cả một vùng trời sau mùa thu họach đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

Có mặt tại cánh đồng lúa ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung chúng tôi bắt gặp cảnh nông dân đốt rơm giữa trưa và gió lùa làm lửa cháy lan nhanh ra cả cánh đồng, nông dân đang hì hục múc nước dưới kênh lên tạt, để ngăn không làm cháy lan sang các căn nhà cặp mé lộ. Thời tiết khô hanh cộng với gió mạnh, dù đốt đồng ngược gió nhưng nông dân vẫn không kịp trở tay khi sự cố xảy ra. Ngòai khói bụi từ việc đốt rơm rạ là một loại ô nhiễm rất đáng lo ngại, vì khói từ việc đốt rơm rạ không chỉ gây cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, mà nguy hiểm hơn đó là những đám cháy đốt đồng gây mất an tòan tới hệ thống đường dây điện sát trục lộ.

Khói đốt đồng gây cản trở tầm nhìn, rất nguy hiểm cho người lưu thông trên đường

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để xử lý hiệu quả nguồn nguyên liệu này, người dân có thể thu gom rơm rạ lại, bán cho các cơ sở làm nấm hoặc sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma xử lý thành phân bón vi sinh, tái phục vụ sản xuất, làm cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ cho đất. Để xử lý lượng rơm rạ trên đồng sau mỗi vụ lúa một cách hợp lý thì thì trước khi cày, nông dân bón khoảng 40 – 60 kg vôi/1.000 m2 hay dùng nấm Trichoderma phun trực tiếp vào rơm rạ, để 3 – 4 ngày rồi cày vùi. Làm như vậy sẽ giúp rơm rạ phân giải nhanh, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho đất, cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bé Ngoan-Khang Nam

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu