Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 07:10 (GMT +7)
Xuất khẩu bền vững: Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp đột phá
Thứ 3, 24/04/2018 | 08:36:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Các doanh nghiệp mong muốn có sự điều chỉnh về chính sách, giảm chi phí lãi suất, chi phí vận tải giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018 vừa được Bộ Công Thương tổ chức, sau khi nghe kiến nghị từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và các địa phương nhằm phát triển xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện cho được 9 nhóm giải pháp căn bản, nhằm đạt được kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng từ 15-20% so với năm 2017.
Còn nhiều điểm nghẽn
Nêu khó khăn của ngành thủy sản hiện nay, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, hiện nay 70% nguyên liệu trong chế biến thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng nhưng do tác động của biến đổi khí hậu nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của sản phẩm thủy sản xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các rào cản từ những thị trường xuất khẩu cũng tăng lên khi chính sách bảo hộ mậu dịch ngày càng chặt chẽ, điều này có thể làm cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp khó khăn. Cùng với đó, các yếu tố liên quan đến vấn đề logistics hoặc cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm để đồng bộ cho quá trình phát triển của hàng xuất khẩu.
“Trong quá trình hội nhập, việc đối phó với vấn đề rào cản thương mại là đương nhiên nên chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua. Bên cạnh việc quan tâm đến những yếu tố sẽ góp phần vượt qua rào cản về mặt pháp lý, thỏa thuận giữa các quốc gia thì yếu tố chủ yếu vẫn là chất lượng hàng hóa của Việt Nam có đáp ứng và thuyết phục được người tiêu dùng hay không”, ông Hòe nói.
Ở một lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua từng năm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may trong năm 2018 vẫn là những khó khăn nội tại. Trong thời gian vừa qua, ngành dệt may phát triển với tốc độ khá nhanh nên một số khâu khó cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, tạo ra những điểm nghẽn như khâu cung cấp nguyên, phụ liệu cho sản phẩm may xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành dệt may dù dồi dào, nhưng về cơ bản, trình độ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành trong tình hình mới, đồng thời khó đáp ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.
Trong khi nhiều khâu của ngành dệt may như dệt, nhuộm đang cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, nguồn lực đầu tư nước ngoài có khá nhiều nhưng lại chủ yếu tập trung vào sản xuất may mặc, ít đầu tư vào khâu dệt nhuộm. “Việt Nam lại tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định tự do thế hệ mới từ sợi trở đi, trong khi ngành dệt may lại đang nghẽn ở khâu này nên các doanh nghiệp sẽ cần phải cố gắng rất lớn”, ông Cẩm nêu rõ.
Cơ hội cho xuất khẩu bền vững
Với quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, thủ tục hành chính về cơ bản đã thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho xuất khẩu như chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí lãi suất, chi phí vận tải…để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường thế giới, để thế giới biết đến nhiều hơn sản phẩm của Việt Nam.
“Hiệp hội sẽ cùng với các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương tập trung cho các hoạt động liên quan đến sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, không chỉ ở khâu chế biến tại các nhà máy mà còn tâp trung từ khâu nuôi trồng và các khâu liên quan trong chuỗi sản xuất. Điều này đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu, góp phần làm cho sản phẩm không chỉ an toàn mà còn có giá trị gia tăng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu”, ông Hòe khẳng định.
Ngoài ra, ông Hòe cũng kiến nghị cải thiện các vấn đề về logistics cho khu vực ĐBSCL, nhằm giúp giảm chi phí lưu thông tại khu vực này, từ đó giảm giá thành sản phẩm góp phần nâng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, việc củng cố công nghệ và xây dựng các trung tâm truy suất dữ liệu là hết sức cần thiết trong thời gian hiện nay, nhằm giúp các doanh nghiệp đủ khả năng có thể vượt qua các rào cản cũng như các yêu cầu từ phía các thị trường nhập khẩu.
Về phía Hiệp hội dệt may Việt Nam, giải pháp được ông Trương Văn Cẩm đưa ra đó chính là các doanh nghiệp mạnh có thể phối hợp cùng nhau để có thể tập trung đầu tư vào các khâu còn yếu của ngành. Đặc biệt, ngành dệt may cũng cần tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất dệt, nhuộm, làm sao xóa bỏ được rào cản từ phía các địa phương trong cấp phép đầu tư vào các lĩnh vực này, nhất là khi đã có đánh tác động môi trường./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()