Thứ Ba, 21/01/2025 17:45 (GMT +7)

Xuất khẩu gạo không chắc lạc quan

Thứ 2, 22/01/2018 | 09:47:00 [GMT +7] A  A

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chịu sức ép tiếp tục tăng, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thế khó trong việc tìm kiếm thị trường.

Với việc tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị kể từ giữa năm, kết quả xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2017 đã vượt xa mục tiêu đã định. Thế nhưng, năm nay, xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này có thể không được lạc quan.

Năm 2017 “nước nổi nhiều, bèo nổi ít”

Theo số liệu thống kê và ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng lượng gạo nhập khẩu của thế giới năm 2017 đạt kỷ lục 43,2 triệu tấn, tăng 5,58 triệu tấn so với năm 2016. Với 5,86 triệu tấn gạo xuất khẩu được trong năm 2017, tuy tăng được 1,05 triệu tấn so với năm 2016, nhưng Việt Nam cũng chỉ mới tận dụng được 18,8% cơ hội do thị trường thế giới mang lại.

Nếu so với cường quốc xuất khẩu gạo số 1 và số 2 thế giới là Ấn Độ và Thái Lan thì những kết quả nói trên là rất khiêm tốn. Các số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu của nước này đã đạt kỷ lục 11,5 triệu tấn, tăng tới 2,24 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2016. Còn Thái Lan trong cùng kỳ cũng đã xuất khẩu đạt kỷ lục 10,5 triệu tấn, tăng 1,77 triệu tấn.

xuat khau gao khong chac lac quan hinh 1
Việt Nam vẫn bị “đứng ngoài cuộc chơi” tại những thị trường nhập khẩu gạo mạnh nhất thế giới.

(Ảnh minh họa: KT)

Không những vậy, kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 còn khiêm tốn so với chính mình trước đây. Với 5,86 triệu tấn gạo xuất khẩu được, Việt Nam mới chỉ “thoát đáy” 4,81 triệu tấn năm 2016, vẫn còn thấp xa so với mức 6,33-8,02 triệu tấn đã đạt được trong giai đoạn 2010-2015.

Kết quả xuất khẩu khiêm tốn đó bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, cho dù gia tăng mạnh xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Á là điều rất đáng mừng, nhưng với châu Phi và Trung Đông – những thị trường nhập khẩu gạo tăng mạnh nhất – thì Việt Nam lại bị “đứng ngoài cuộc chơi”.

Theo USDA, trong tổng lượng gạo nhập khẩu tăng thêm của thế giới trong năm 2017, riêng châu Phi và Trung Đông chiếm 2,85 triệu tấn, tăng 15,5%. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường sôi động bậc nhất này trong 10 tháng đầu năm chỉ tăng 4,4%, cho nên tỷ trọng cũng rất khiêm tốn ở mức 13,4%.

Còn kết quả xuất khẩu tăng vượt trội của Thái Lan nói trên chính là nhờ khai thác triệt để khu vực thị trường này. Các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu sang khu vực thị trường này đạt kỷ lục 6,52 triệu tấn, tăng đột biến 1,66 triệu tấn và 34,1%.

Thứ hai, giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng, sẽ dẫn đến giá lúa trong nước tăng, đồng nghĩa với thu nhập của nông dân trồng lúa được bảo đảm trong điều kiện thiên tai làm giảm năng suất; nhưng giá lúa tăng đã đẩy giá gạo nguyên liệu tăng, khiến gạo của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh ở thị trường xa.

Năm 2018 không chắc lạc quan

Theo logic thông thường, xuất khẩu gạo năm 2018 sẽ thuận lợi hơn năm 2017. Bởi lẽ, theo dự báo hiện nay, La Nina tại vành đai Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ tác động đến nhiều nền nông nghiệp chủ yếu của thế giới. Vì vậy, USDA cho rằng, không chỉ sản lượng lúa gạo thế giới năm nay sẽ giảm gần năm triệu tấn, mà sản lượng bắp cũng giảm mạnh tới 31 triệu tấn.

Đây là lý do khiến cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo rằng giá các loại lương thực trong năm 2018 đều tăng. Cụ thể, theo IMF, thay vì ở mức 425 USD/tấn như trong năm 2017, giá gạo (gạo đồ 5% tấm Thái Lan) trong năm 2018 sẽ tăng mạnh lên 483 USD/tấn, tức là tăng 58 USD/tấn, tương đương 13,6%. Giá lúa mì, bắp cũng sẽ tăng rất mạnh. WB thì dè dặt hơn khi dự báo các mức tăng này chỉ dao động trong khoảng 3-4 USD/tấn, tương đương 0,8-2,6%.

Tuy nhiên, kịch bản giá gạo cũng có thể khác. Bởi lẽ, xét trên bình diện toàn cầu, tuy thế giới mất mùa lúa, nhưng sản lượng giảm không đáng kể, trong khi kho gạo dự trữ của thế giới lại rất đầy. Cho nên không có lý do gì khiến giá gạo thế giới có thể tăng, đặc biệt là tăng mạnh như dự báo của IMF.

Cụ thể, theo USDA, sản lượng lúa thế giới năm nay chỉ giảm không đáng kể 0,7%. Trong khi đó, kho gạo dự trữ của thế giới đầu năm nay lên tới 138 triệu tấn, đủ tiêu dùng trong 105 ngày, cao kỷ lục trong 15 năm trở lại đây.

Đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến tổng cung gạo thế giới năm nay đạt kỷ lục 665 triệu tấn, cao hơn năm triệu tấn so với năm 2017, còn dự trữ gạo thế giới vào cuối năm nay cũng sẽ đạt kỷ lục 141 triệu tấn, đủ cho thế giới có thể tiêu dùng trong 107 ngày.

Trong điều kiện thị trường thế giới như vậy, Việt Nam sẽ bị khó chồng khó ngay trong những tháng đầu năm 2018. Tuy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam như Ấn Độ và Thái Lan, nhưng mức tăng đó của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với mức tăng của giá lúa và giá gạo nguyên liệu trong những tháng cuối năm qua.

Do vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chịu sức ép tiếp tục tăng, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thế khó trong việc tìm kiếm thị trường, đặc biệt là những thị trường xa.

Nói tóm lại, cho dù thị trường nông sản thế giới trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng không ít bởi La Nina, nhưng riêng thị trường gạo thì khó có đột biến, còn khó khăn riêng của Việt Nam có nhiều khả năng sẽ nặng nề hơn./.

Theo Nguyễn Đình Bích/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu