Gạo chất lượng cao tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và nhiều doanh nghiệp, sở dĩ xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2018 tăng mạnh là do lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu từ năm 2017 chuyển qua còn nhiều.
Tính đến cuối năm 2017, còn khoảng 630.000 tấn gạo đã đăng ký xuất khẩu được chuyển sang năm 2018. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho xuất khẩu gạo sôi động ngay đầu năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều nước nhập khẩu gạo có nhu cầu ngay từ đầu năm trong khi nguồn cung gạo của các nước xuất khẩu lại hạn chế đã khiến thị trường trở nên nhộn nhịp hơn trong quý 1 so với cùng kỳ.
Đơn cử như Indonesia từng thông báo tự cân đối được nguồn cung lương thực trong nước. Tuy nhiên, ngay đầu năm 2018, nước này đột ngột thông báo nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong khi Thái Lan đã tiêu thụ xong lượng gạo tồn kho khổng lồ và Ấn Độ sau một năm nỗ lực đứng ở vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo thì nay lượng tồn kho dự trữ đã giảm đáng kể. Tình hình cung cầu gạo có nhiều biến động trong đầu năm đã mở ra cơ hội cho những nước sản xuất và xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết mặc dù đến thời điểm này thu hoạch vụ Đông Xuân chưa nhiều, nhưng rõ ràng mức độ xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt những con số khá ấn tượng trong quý 1/2018.
Đáng chú ý, giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam đang đi đúng hướng, theo hướng phân khúc gạo chất lượng cao. Trong 3 tháng đầu năm nay, hầu hết các chủng loại gạo xuất khẩu đều có giá bán tăng cao so với năm trước đó. Nhiều loại gạo thơm, nếp, gạo chất lượng cao có giá trị tăng rất cao, có loại tăng đến 30%. Thậm chí, một số chủng loại gạo có giá bán cao hơn so với gạo Thái Lan cùng loại và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Theo ông Bình, chính việc cơ cấu lại sản xuất lúa và xuất khẩu gạo theo hướng giảm gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh gạo chất lượng cao, gạo đặc sản trong những năm qua đã góp phần quan trọng đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên.
Số liệu thống kê của VFA trong vài năm gần đây cũng cho thấy chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi ngoạn mục. Cụ thể, gạo thơm đã có sự tăng trưởng đột phá từ 6,6% trong năm 2011 lên 23,5% năm 2017. Tương tự, xuất khẩu nếp cũng tăng trưởng ấn tượng, từ 6,6% lên 23,5% cùng thời gian trên… Điều này cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam không phải chỉ tăng cơ học mà có sự chuyển hướng khá tích cực.
Xuất hiện tình trạng ép giá
Mặc dù thị trường có nhiều khởi sắc trong quý 1/2018, tuy nhiên, theo đánh giá của một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo, lượng hợp đồng thương mại đăng ký xuất khẩu mới của doanh nghiệp lại không nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do giá lúa gạo nội địa tăng quá cao khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Gạo Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay trong 3 tháng đầu năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ ước đạt 75% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù xuất khẩu gạo năm nay có giá bán có tốt hơn nhưng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng không cao, do giá nguyên liệu tăng cao.
Theo ông Long, đến đầu năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ và vừa đều không còn gạo tồn kho từ năm cũ chuyển qua. Phần lớn các doanh nghiệp, thương lái phải chờ đến vụ thu hoạch Đông Xuân để thu mua. Điều này đã góp phần đẩy giá lúa nội địa tăng quá cao, bình quân tăng thêm 1.000 đồng/kg, làm tăng thêm đáng kể chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) chia sẻ trong vòng 10 ngày gần đây, khi vụ thu hoạch Đông Xuân vào rộ, hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp mới thực sự trở nên nhộn nhịp trở lại. Trước đó, do nguồn lúa gạo trong nước khá hạn chế, giá lúa nội địa lại tăng cao, tính cạnh tranh của sản phẩm không cao nên lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 80% so với cùng kỳ.
Mặc dù hiện tại xuất khẩu gạo Việt Nam bắt đầu vào “guồng” nhưng lại xuất hiện tình trạng bị đối tác ép giá. Đơn cử như thời điểm tháng 1-2/2018, giá gạo nếp xuất khẩu ở mức 525-530 USD/tấn thì nay vào chính vụ thu hoạch Đông Xuân, giá gạo chỉ còn 480 USD/tấn. Thậm chí, một số đối tác Trung Quốc còn muốn “kéo giá” xuống dưới 460 USD/tấn.
Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt không liên kết mà cạnh tranh, “đấu đá” với nhau thì có nguy cơ mặt bằng giá xuất khẩu sẽ xuống thấp trong thời gian tới, ông Đôn cảnh báo.
Mặt khác, theo các doanh nghiệp, trong thời gian tới, gạo Việt hiện vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Pakistan, nhất là ở phân khúc gạo trung bình. Gạo Pakistan đang có giá bán cạnh tranh hơn so với gạo Việt, kèm theo đó nước này lại có lợi thế về vị trí địa lý với một số thị trường truyền thống như châu Phi, Philippines… nên có cước vận chuyển thấp hơn.
Riêng với gạo Thái Lan, dù đồng baht Thái vừa tăng giá khá cao, kéo theo giá gạo tăng cao và khiến cho các nhà xuất khẩu gạo nước này lo lắng không đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm nay. Thế nhưng, theo nhận định của các doanh nghiệp, điều này ít ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ngoại trừ những chính sách tác động trực tiếp đến nguồn cung gạo như việc xả kho khổng lồ của Thái Lan trong những năm qua mới tác động đến tình hình thị trường xuất khẩu gạo thế giới cũng như ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trên thực tế, mỗi nước xuất khẩu gạo hiện nay có những phân khúc thị trường nhất định. Chẳng hạn, ưu thế của gạo Việt Nam là luôn có gạo mới, chủng loại đa dạng và giá cạnh tranh. Còn gạo Thái Lan có những phân khúc gạo như gạo thơm Homali với giá bán cao ngất ngưởng trên 1.000 USD/tấn thì rất khó có nước nào “chen chân” vào được.
Trong khi đó, một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có giá bán cao hơn so với Thái Lan và giá lúa gạo nội địa lại tăng cao. Chưa kể, chính sách tiền tệ của Thái Lan cũng thường xuyên thay đổi. Do vậy, dù giá gạo Thái có tăng do đồng Baht tăng giá thì cũng ngành gạo Việt Nam cũng chẳng được hưởng lợi gì nhiều, ông Đôn nhận xét./.
Ý kiến ()