Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 10:59 (GMT +7)
Xuất khẩu nông sản chính ngạch: Con đường tất yếu
Thứ 7, 16/11/2019 | 09:02:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 16/11/2019 lúc 9:02
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt gần 10.000 USD/người/năm. Vì vậy, yêu cầu lựa chọn thực phẩm của người dân tại đây không còn đơn giản và dễ dàng như trước đây.
Điều này nói lên nguồn thực phẩm nhập vào thị trường Trung Quốc phải đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, những mặt hàng nông sản của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng được các tiêu chí này
Truy xuất nguồn gốc trở thành tất yếu
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Những mặt hàng nông sản của Việt Nam như: thịt lợn, thanh long, dưa hấu, thuỷ sản… vốn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong những năm trước đây, bên cạnh hàng hóa đi bằng đường chính ngạch, được kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc… vẫn còn những chuyến hàng đi bằng đường tiểu ngạch. Điều này dẫn đến rủi ro lớn trong sản xuất và tiêu thụ.
Theo bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty yến sào Yến Quân (Tp. Hồ Chí Minh), yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành tiêu chí chung của các quốc gia trên thế giới. Thị trường Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Không những vậy, đời sống của người dân Trung Quốc hiện nay được nâng cao, nhu cầu thể hiện vị trí xã hội trong các mối quan hệ giao tiếp được đặt lên hàng đầu. Do đó, nông sản Việt Nam nói chung, sản phẩm yến sào Việt Nam nói riêng cũng phải tuân theo tiêu chí của người tiêu dùng Trung Quốc. Có như vậy, những sản phẩm của Việt Nam mới hy vọng được giữ chân lâu dài tại thị trường này.
Mặt khác, với trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặt an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu cũng chính là cách huấn luyện người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm, người tiêu dùng, tạo thói quen tôn trọng người tiêu dùng. Để từ đó, quen dần với ý thức bán sản phẩm theo yêu cầu, nếu muốn hòa nhập cùng thế giới.
Hòa nhập với trào lưu tiêu dùng thế giới hiện nay không chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp mà còn là điều mà người sản xuất Việt mong muốn. Bởi hàng hóa sản xuất không được thu mua tiêu thụ sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, đồng thời sẽ làm mai một ngành nghề khi nông dân bỏ vườn, treo ao.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit chia sẻ, xuất khẩu nông sản chính ngạch và có truy xuất nguồn gốc là yêu cầu tất yếu để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam. Khi hàng hóa được lưu thông bằng con đường tiểu ngạch sẽ không còn được mang nhãn mác của Việt Nam. Nó trở thành nguyên liệu thô và được “phù phép” bằng một thương hiệu của quốc gia khác. Như vậy, người sản xuất Việt Nam sẽ thiệt thòi lớn khi muốn quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Lâm Viên cũng cảnh báo các doanh nghiệp Việt nên thâm nhập thị trường thông qua kênh cửa hàng, siêu thị, không nên mua đứt bán đoạn hay qua trung gian. Sau khi thành công ở kênh này, nên tiếp tục bán hàng online qua các kênh Taobao, Alibaba… Bằng cách làm này, hiện nay, Công ty Vinamit đã phủ sóng với hơn 10.000 siêu thị, các kênh thương mại điện tử và 50.000 cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc.
Thay đổi thói quen sản xuất
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông sản An Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật mới trong sản xuất rau, phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Mặc dù người sản xuất Việt đã dần quen với việc phải làm ra sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận nhỏ sản xuất manh mún, theo tập quán cũ, không nắm bắt thông tin tiêu dùng, thiếu trách nhiệm với sản phẩm làm ra… Đây là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại không đáng có trong xu thế phát triển thông tin, khoa học kỹ thuật hiện nay.
Theo bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã phổ biến rộng rãi đến các hội nông dân địa phương, hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng thế giới. Mỗi thị trường đều có tiêu chí tiêu dùng, chứng chỉ chất lượng riêng. Do đó, nông dân Việt Nam không thể sản xuất theo thói quen cũ. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam, đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức khi phải sản xuất với số lượng lớn.
Do đó, nông dân Việt cần chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân địa phương, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định. Mặt khác, chính quyền địa phương cần vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững…, bà Thơm chia sẻ thêm.
Với vị trí gần nhau, cơ chế, chính sách đầu tư giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng ngày càng thông thoáng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã trực tiếp đầu tư cơ sở thu mua tại các vùng nguyên liệu nông sản của Việt Nam.
Ông Thang Thành Vỹ, Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, Thương hội Bằng Tường là đơn vị nhập khẩu trái cây Việt Nam với số lượng lớn. Ông Vỹ thường xuyên đến các vùng nguyên liệu trái cây để tìm hiểu chất lượng và số lượng trước khi quyết định thu mua. Với trái cây tươi, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển từ lượng sang chất. Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm.
Ông Vỹ cho rằng, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giữ tươi, giúp trái cây Việt xuất khẩu sang Trung Quốc phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo yêu cầu kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó, thương nhân hai nước cần tăng cường trao đổi qua thương mại điện tử.
Hàng hóa có thể đóng gói tại Việt Nam theo tiêu chuẩn thương mại điện tử của Trung Quốc. Từ đó, có thể giúp cho trái cây Việt vận chuyển được nhanh, xa hơn.
Sau những đàm phán giao thương giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc là tăng kiểm soát truy xuất nguồn gốc và chất lượng, xuất khẩu nông sản.
Để nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu một cách bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc, tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc đã cam kết dành cho đa phần các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) do Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì đẩy nhanh đàm phán, mở cửa thị trường hàng nông sản với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xúc tiến, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa… Có như vậy, các mặt hàng nông sản Việt mới “đàng hoàng” lưu thông tại đây mà không lo ngại ùn ứ, ách tắc như những năm trước đây, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho hay.
https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-con-duong-tat-yeu–20191116081911793.htm
Ý kiến ()