Thứ Bảy, 11/01/2025 11:41 (GMT +7)

Xuất khẩu nông sản Việt năm 2016 sẽ khởi sắc

Thứ 5, 03/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Dự báo trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sẽ tăng lên như gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả.

Năm 2016, khi nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên song hành với thuận lợi sẽ là những khó khăn thách thức.

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng năm ngoái và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng cao là nhân điều, gạo, cà phê… Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.

Dự báo, năm 2016, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cải thiện cơ cấu sản phẩm, mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Đặc biệt là có sự tác động từ các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết và chính thức có hiệu lực. Trong năm nay, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

xuat khau nong san viet nam 2016 se khoi sac hinh 0

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, để mục tiêu xuất khẩu đạt được như kỳ vọng, thì bản thân người nông dân và doanh nghiệp cần nỗ lực và có chiến lược sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.

“Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như TPP đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt cơ hội, Việt Nam sẽ có một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam phải nâng cấp chất lượng và quy mô sản xuất lên đạt các chuẩn mực mà thị trường đòi hỏi. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức, quy mô sản xuất, quan trọng nhất là điều chỉnh lại, đạt được các chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như tăng khả năng xuất khẩu”, ông Hòa cho biết.

Mặc dù còn không ít khó khăn do “dư âm” của năm cũ để lại, nhưng dự báo trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng sẽ tăng lên như gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả. Chiến lược xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, châu Âu, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, châu Phi.

Cơ hội lớn là vậy nhưng Việt Nam sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Bên cạnh đó là những rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản. Khi hội nhập, một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, đây là một thách thức lớn cho các sản phẩm của Việt Nam khi phải trực tiếp cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN và ngay tại chính thị trường nội địa.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, mỗi nước ASEAN đều có một lợi thế so sánh riêng. Để tạo được vị thế trên thương trường, các doanh nghiệp phải đi lên bằng nội lực, khẳng định được chất lượng và thương hiệu của chính mình.

“Để nâng cao được chất lượng hàng xuất khẩu, trước hết người sản xuất phải có ý thức sản xuất hàng chất lượng. Bản thân người sản xuất, doanh nghiệp phải tập trung vào thị trường sản xuất chất lượng cao. Doanh nghiệp và người sản xuất không có ý thức sản xuất hàng chất lượng cao thì chắc chắn sẽ không làm được, từ đó mới tác động vào nhu cầu thiết kế sản phẩm…”, ông Ngọc cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập mang lại, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông – lâm – thủy sản cần được đặt lên hàng đầu; Tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, trong đó có hệ thống Thương vụ tại nước ngoài; Xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, thúc đẩy quan hệ, kết nối xuất – nhập khẩu nông – lâm – thủy sản, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt từ 39 – 40 tỷ USD, định hướng trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại đặc biệt là theo hướng bền vững, lâu dài. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến 2020, tầm nhìn 2025.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc tổ chức hướng dẫn thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời cùng hỗ trợ với Bộ NN&PTNT bằng những nội dung cụ thể về xây dựng những vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; Tiếp tục đưa công nghệ đưa hiệu quả vào trong năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm và gắn với xây dựng thương hiệu, giúp cho doanh nghiệp của chúng ta có điều kiện, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Năm 2016 được dự báo là một năm khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Ngoài nỗ lực của người sản xuất và doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó là hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và từ đó xuất khẩu ra nước ngoài…/.

Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin tưc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu