Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 3/2018 ước đạt 284 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2018 đạt 934 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu các mặt hàng rau quả của Việt Nam.
Cũng trong tháng 3/2018, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả ước đạt 92 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 340 triệu USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan (chiếm 45% thị phần); Trung Quốc (19,9%)…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2018, giá của nhiều mặt hàng trái cây diễn biến tăng do nhu cầu tăng trong khi thị trường rau một số tỉnh đặc biệt là khu vực phía Bắc lại giảm mạnh.
Cụ thể, giá mít Thái tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao, đạt mức kỷ lục từ 40.000-50.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá mít tăng cao là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua khá thuận lợi.
Bên cạnh đó, mặc dù dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh hiện đang vào vụ thu hoạch nhưng giá vẫn ở mức 7.400 đồng/kg, với mức giá này người trồng dưa hấu có lãi.
Vú sữa tại tỉnh Tiền Giang cũng được bán với giá tốt, dao động từ 18.000-20.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thị trường rau củ tại Lâm Đồng và một số các tỉnh miền Bắc trong tháng 3/2018 lại diễn biến theo xu hướng giảm. Cụ thể, khoai tây hiện chỉ còn 10.000-11.000 đồng/kg (loại 1), hành tây có giá 3.000 đồng/kg (giảm 4 lần so với trước Tết); cà rốt giảm từ 25.900 đồng xuống còn 20.900 đồng/kg; bắp cải trắng từ 11.500 xuống còn 9.500 đồng/kg.
Đặc biệt, giá củ cải và su hào tại một số tỉnh miền Bắc giảm mạnh, chỉ ở mức 1.000-1.200 đồng/kg, và phải cần đến sự “giải cứu.” Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn cung gia tăng với điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn không có đột biến.
Nhìn lại quý 1/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thị trường trái cây và rau củ biến động tăng giảm thất thường bởi tính thời vụ cũng như sự tác động của nhu cầu tăng cao khi vào những dịp nghỉ lễ Tết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết hiện sản phẩm vải, nhãn đã mở cửa được một số thị trường lớn khó tính. Cùng với việc tăng cường đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu mới, điều này sẽ giúp tiếp tục mở cửa thị trường các sản phẩm này thời gian tới.
Đối với thị trường truyền thống, về việc mới đây cơ quan quản lý Quảng Tây (Trung Quốc) thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu nhập khẩu hoa quả thuộc địa bàn này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định quan điểm của Việt Nam là từng bước đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hài hòa hóa các quy định về kiểm soát, đảm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong năm 2018, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn), phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu./.
Ý kiến ()