Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 14/01/2025 03:02 (GMT +7)
Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng cao nhất 10 năm
Thứ 4, 05/05/2021 | 15:50:00 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo thông tin do Bộ Công Thương công bố sáng 5/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Trong 4 tháng qua, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%). Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%, thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,1%…
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%. Thị trường EU đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,75 tỷ USD, tăng 13,3%. Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%. Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt trong 4 tháng qua.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 ước tính nhập siêu 1,5 tỷ USD. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,22 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez…, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững.
Đó là dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
“Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, báo cáo Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngoài ra, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…
Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng nhằm nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của rất nhiều các yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường. Bởi vậy, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.
Từ bài học của dịch COVID-19, các doanh nghiệp cũng cần phải lên phương án chủ động hơn nữa, toàn diện hơn trước những yếu tố bất ổn khác nhau để có thể giảm thiểu được thiệt hại cũng như vươn lên và nắm bắt được những cơ hội từ các yếu tố nguy cơ như vậy.
Thời gian qua, trước sự cố siêu tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez – điểm quan trọng trên hành trình xuất khẩu hàng hóa sang EU, Bộ Công thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-nhap-khau-viet-nam-tang-truong-cao-nhat-10-nam-20210505112838696.htm
Ý kiến ()