Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 13:56 (GMT +7)
Anh khởi động tiến trình lịch sử rời Liên minh châu Âu
Thứ 3, 20/06/2017 | 09:50:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Dù con đường phía trước rất dài và khó khăn, nhưng đích đến của nước Anh là rất rõ ràng, đó là mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc với EU.
Chiều 19/6 (theo giờ Việt Nam), các quan chức Liên minh châu Âu và Anh sẽ có cuộc gặp chính thức khởi động vòng đàm phán đầu tiên về việc Anh rời mái nhà chung châu Âu, hay còn gọi là Brexit.
Cuộc đàm phán diễn ra gần một năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU. Đây sẽ là quá trình dài và khó khăn đối với nước Anh trong bối cảnh đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May không giành được thế đa số trong Quốc hội trong cuộc bầu cử mà chính bà đã kêu gọi tổ chức sớm.
Chiều 19/6, các quan chức Liên minh châu Âu và Anh sẽ có cuộc gặp chính thức khởi động vòng đàm phán đầu tiên về Brexit. (Ảnh: express.co.uk) |
Dự kiến Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis sẽ có cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier tại Brussel, Bỉ vào lúc 17h chiều nay (theo giờ Việt Nam).
Phát biểu trước thềm cuộc đàm phán, Bộ trưởng David Davis nói rằng, hôm nay là ngày đánh dấu sự khởi đầu tiến trình đàm phán sẽ định hình tương lai của Liên minh châu Âu cũng như nước Anh. Cả hai bên đều muốn có sự thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ, có khả năng bảo vệ những giá trị chung châu Âu, đảm bảo an ninh cho các công dân cũng như khẳng định vị trí của mình trên thế giới.
Ông Davis cũng nói rằng, dù con đường phía trước sẽ dài và khó khăn, nhưng đích đến của nước Anh là rất rõ ràng, đó là mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc giữa Anh và EU, một thỏa thuận không giống với bất cứ thỏa thuận nào trong lịch sử.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tuyên bố chính phủ nước này mong muốn Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận để hai bên cùng có lợi. Ông cho biết khi bước vào đàm phán, hai bên sẽ thảo luận trên tinh thần hợp tác chân thành, thông qua một cách tiếp cận thực tế để tìm ra một giải pháp có lợi cho cả nước Anh và EU.
Theo ông Hammond bức thư của Thủ tướng May thông báo về Brexit gửi vào tháng 3 vừa qua là cơ sở cho các cuộc đàm phán của nước Anh, điều đó cho thấy khởi điểm của đàm phán là một Brexit “cứng”.
Bộ trưởng Hammond nói: “Khi tôi nói về một Brexit có thể hỗ trợ việc làm, đầu tư và kinh doanh của nước Anh, thì đó là một Brexit tránh được những tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nó đảm bảo việc nước Anh vẫn ở lại Liên minh thuế quan và một thỏa thuận mới trong tương lai cho phép hành hóa Anh tiếp tục lưu thông, không chỉ là miễn thuế, còn bao gồm cả việc không bị trì hoãn hay vướng phải quá nhiều thủ tục hành chính”.
Tiến trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit “cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc mất thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh. Hiện bà May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ của bà yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn.
Trong khi đó, hôm qua (18/6), Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết, cánh cửa vẫn để ngỏ cho người Anh nếu nước này thay đổi quyết định và tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu.
“EU vẫn để ngỏ cánh cửa cho người Anh. Tuy nhiên, đây là quyết định của Quốc hội Anh và người dân Anh. Có thể họ sẽ đảo ngược quyết định nhưng cũng có thể giữ nguyên quyết định Brexit. Đây là quyết định mà chỉ người Anh mới có thể đưa ra”, ông Gabriel nói.
Ngoại trưởng Đức Gabriel cũng nói rằng, có cơ hội cho một kịch bản Brexit “mềm” để duy trì nước Anh trong thị trường đơn nhất của khối này, song cảnh báo Anh không thể tự lựa chọn các điều kiện của mình.
Ông cho rằng việc ở lại thị trường chung châu Âu sẽ đòi hỏi Anh chấp nhận sự tự do đi lại của các lao động EU. Nước Anh cũng sẽ phải chấp nhận quyền tài phán của Tòa Tư pháp châu Âu, hay ít nhất một tòa án chung của cả hai bên và về nguyên tắc phải tuân thủ các phán quyết của Tòa Tư pháp châu Âu.
Giới quan sát nhận định đối với nhiều người chủ trương Brexit, những điều kiện mà Ngoại trưởng Đức đưa ra sẽ không thể chấp nhận được vì chiến dịch trưng cầu ý dân của Anh hồi năm ngoái tập trung vào việc giành lại quyền kiểm soát đối với luật pháp và nhập cư từ EU./.
Tổng hợp
Ý kiến ()