Thứ Năm, 23/01/2025 13:00 (GMT +7)

Anh vừa muốn tự do tìm đối tác, vừa chưa muốn sớm rời EU

Thứ 4, 16/08/2017 | 10:35:00 [GMT +7] A  A

Ngày 15/8, Chính phủ Anh lần đầu tiên công bố tài liệu chi tiết về mục tiêu thương mại muốn đạt được trong các đàm phán về việc rời EU.

Trong tài liệu lần đầu tiên được công bố về mục tiêu thương mại trong đàm phán Brexit, chính phủ Anh cho biết muốn có một giai đoạn quá độ từ 2 đến 3 năm với Liên minh châu Âu, nhưng lại muốn được tự do đàm phán với các đối tác khác trong thời gian này.

Sau nhiều tháng trì hoãn, hôm thứ Ba, ngày 15/8, chính phủ Anh đã lần đầu tiên công bố một tài liệu chi tiết về mục tiêu thương mại mà chính phủ nước này muốn đạt được trong các đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu.

Trong văn bản dài 14 trang này, điểm đáng chú ý nhất là Vương quốc Anh đã công khai cách tiếp cận của mình đối với vấn đề Brexit, theo đó chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May muốn thời kỳ hậu-Brexit được tiến hành theo hai giai đoạn. Đầu tiên, là một giai đoạn quá độ kéo dài 2 năm với việc giữ nguyên hầu như toàn bộ mọi quy định trước đây về hải quan giữa Anh với liên minh châu Âu. Tiếp đến, giai đoạn 2 sẽ là việc Anh và Liên minh châu Âu xây dựng một thoả thuận thuế quan “cho phép hàng hoá được lưu thông tự do và ít rào cản nhất có thể”.

anh vua muon tu do tim doi tac vua chua muon som roi eu hinh 1

Chính phủ Anh không nêu cụ thể thời gian quá độ mà mình mong muốn sẽ kéo dài bao lâu nhưng theo ông David Davis, trưởng đoàn đàm phán Brexit của phía Anh thì “thời gian này có thể là 2 năm, hoặc ít hơn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond lại tuyên bố, thời gian này có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm, bắt đầu từ tháng 3 năm 2019, thời điểm mà về mặt lý thuyết, nước Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của Liên minh châu Âu.

Thực tế này cho thấy, sau một thời gian dài tranh cãi gay gắt trong nội bộ về chiến lược và mục tiêu đàm phán Brexit, chính phủ Anh đã tìm được tiếng nói chung theo hướng ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Tài chính, Philip Hammond. Ông Hammond, vốn là người thân châu Âu, từng nhiều lần cho rằng nước Anh cần phải có một giai đoạn quá độ đủ dài để các doanh nghiệp Anh tìm cách thích nghi với môi trường mới cũng như để cho hải quan Anh xây dựng các quy trình kiểm soát mới ở biên giới với Liên minh châu Âu.

Mục tiêu mà phía Anh đề ra, như trong tài liệu thông báo, đó là các thủ tục hải quan sẽ gần như không thay đổi đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu giữa hai bên và nếu có tranh cãi thì sẽ xử lý cụ thể từng vấn đề một.

Ngoài ra, một điểm rất đáng chú ý khác trong bản kế hoạch 14 trang vừa được chính phủ Anh đưa ra, đó là phía Anh muốn trong thời gian quá độ vẫn được toàn quyền tiến hành đàm phán các thoả thuận thương mại với các đối tác khác trên thế giới. Đây là đề xuất rất quan trọng từ phía Anh bởi thông thường, khi đang trong giai đoạn quá độ với Liên minh châu Âu, nước Anh sẽ không được phép đàm phán các thoả thuận thương mại khác mà phải chờ đến khi mọi ràng buộc giữa Anh với Liên minh châu Âu chấm dứt.

Vì thế, đề xuất này cho thấy nước Anh một mặt vẫn muốn kéo dài thời gian quá độ với Liên minh châu Âu để tránh thiệt hại nhưng mặt khác, lại muốn nhanh chóng thực thi một chính sách tự do về thương mại.

Câu hỏi đặt ra, vì vậy, là liệu Liên minh châu Âu có chấp nhận các đề xuất này của chính phủ Anh hay không? Thực tế cho thấy là trong cuộc đàm phán Brexit hiện nay, Liên minh châu Âu vẫn đang nắm thế chủ động trong tay. Liên minh châu Âu là bên nắm giữ thặng dư trong trao đổi thương mại với Anh và nếu không có một thỏa thuận mới nào giữa Liên minh châu Âu và Anh được ký kết, bên thiệt hại nhiều hơn sẽ là các doanh nghiệp Anh.

Quan trọng nhất, là từ trước đến nay, Liên minh châu Âu luôn khẳng định sẽ không đàm phán bất cứ vấn đề nào về quan hệ tương lai với nước Anh một khi chưa hoàn tất các thủ tục Brexit. Cụ thể, Liên minh châu Âu luôn yêu cầu Anh phải thực thi 2 việc trước tiên: một, là thanh toán nghĩa vụ tài chính khi rời Liên minh lên đến 50-60 tỷ euro, và tiếp đến là giải quyết vấn đề về quyền lợi của các công dân châu Âu đang sinh sống, làm việc tại Anh.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, Michel Barnier tuyên bố “chỉ khi nào nước Anh hoàn tất việc ra đi thì lúc đó mới có thể bàn đến mối quan hệ tương lai với Liên minh châu Âu”./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu