Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron buộc phải có những sự thay đổi lớn sau sự ra đi của 4 Bộ trưởng quan trọng. Chỉ trong 3 ngày đầu tuần, chính trường Pháp đã chứng kiến sự ra đi liên tiếp của những nhân vật chủ chốt trong chính phủ là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng kết nối lãnh thổ và Quốc vụ khanh phụ trách công việc châu Âu.
Các diễn biến bất ngờ này buộc chính phủ mới của Pháp phải đưa ra một cuộc cải tổ quan trọng hơn so với dự kiến ban đầu. Cần nhắc lại rằng, ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử lập pháp hôm Chủ nhật vừa qua (18/6), với chiến thắng lớn thuộc về đảng “Nền cộng hoà tiến bước” của Tổng thống Pháp Macron thì theo thông lệ, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đệ đơn từ nhiệm của chính phủ cũ và ngay lập tức được Tổng thống Macron tái chỉ định lập chính phủ mới.
Động thái này ban đầu được xem là hoàn toàn mang tính kỹ thuật và các thay đổi trong chính phủ mới, nếu có, chỉ là việc bổ sung thêm một vài chức danh Quốc vụ khanh và Cao uỷ nhằm giảm tải công việc cho một số Bộ lớn.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn đầu tiên đã đến ngay thứ Hai, ngày 19/6, khi Bộ trưởng kết nối lãnh thổ là ông Richard Ferrand từ chức để chuyển sang làm Chủ tịch Nhóm nghị sĩ của đảng “Nền cộng hoà tiến bước” tại Quốc hội Pháp khoá mới. Đây là sự kiện đáng chú ý bởi ông Richard Ferrand là một trong những nhân vật thân cận nhất với Tổng thống Macron, nhưng cũng là người đang bị tố cáo có các hoạt động buôn bán bất động sản gian lận cách đây vài năm khi đang hoạt động ở quê nhà vùng Bretagne.
Nhiều nhà phân tích đã coi quyết định của ông Macron về việc đưa ông Ferrand rời chính phủ và chuyển sang Quốc hội là một bước đi mang nặng tính chính trị, vừa tránh cho chính phủ mới các tai tiếng về tư pháp liên quan đến các thành viên chính phủ, điều mà ông Macron coi là một trong những ưu tiên hành động đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống, vừa giúp cho nhân vật thân cận này của mình có được quyền miễn trừ khi là Nghị sĩ, nhằm hạn chế rủi ro về tư pháp.
Tuy nhiên, sự ra đi của ông Ferrand dường như đã có tác động kéo theo sự ra đi liên tiếp của 3 Bộ trưởng khác trong chính phủ là các là bà Sylvie Goulard – Bộ trưởng Quốc phòng, bà Marielle de Sarnez – Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu và đặc biệt là ông Francois Bayrou – Bộ trưởng Tư pháp. Điều đáng chú ý là cả 3 Bộ trưởng này đều là người của đảng trung dung Phong trào dân chủ – MoDem – đảng liên minh với ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và bầu cử lập pháp.
Đây là 3 nhân vật lãnh đạo của MoDem, trong đó Chủ tịch là ông Bayrou, và đang chịu nhiều sức ép của cuộc điều tra tư pháp sơ bộ liên quan đến việc đảng MoDem gian dối trong việc dùng ngân sách vốn chi cho công việc ở Nghị viện châu Âu.
Việc 3 Bộ trưởng này lần lượt từ chức buộc chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe có các thay đổi quan trọng. Trong danh sách chính phủ mới được công bố tối 21/6 theo giờ địa phương, chính phủ Pháp có 5 Bộ trưởng mới và 6 vị trí Quốc vụ khanh mới. Đáng chú ý trong số này có các Bộ trưởng quân đội mới là Florence Parly, Bộ trưởng Tư pháp mới là Nicole Belloubet. Sau một kỳ bầu cử lập pháp thắng lợi, cũng đã có thêm các thành viên mới của đảng “Nền cộng hoà tiến bước” gia nhập chính phủ mới, bên cạnh 3 Bộ trưởng mới đến từ các đảng cánh hữu.
Tổng cộng, Chính phủ mới của Thủ tướng Edouard Philippe gồm 20 Bộ trưởng và 10 Quốc vụ khanh và tuân thủ tuyệt đối sự cân bằng giới tính khi có 15 nam và 15 nữ./.
Ý kiến ()