Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 23:52 (GMT +7)
COVID-19 tới 6 giờ sáng 24/11: Thế giới trên 59,4 triệu ca bệnh; Số ca tử vong ở châu Âu tăng mạnh
Thứ 3, 24/11/2020 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 463.086 trường hợp mắc COVID-19 và 7.629 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 59,4 triệu người. Châu Âu đang chứng kiến đợt sóng dịch bệnh mới nguy hiểm hơn.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 59.454.447 ca, trong đó có 1.401.220 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 41.093.330 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 16.959.897 ca và 103.057 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 23/11, thế giới có tới 154 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Mỹ tiếp tục là điểm dịch lớn số 1 thế giới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 4/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (140.235 ca), Ấn Độ (37.329 ca) và Nga (25.173 ca); trong khi đó Mỹ (với 790 ca), Italy (630 ca) và Pháp (500 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên. Điều đáng lo ngại là số ca tử vong đang có xu hướng tăng mạnh ở các nước châu Âu trong làn sóng COVID-19 mới này.
Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Naples, Italy, ngày 12/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/11, Italy – quốc gia châu Âu đầu tiên chịu tác động bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 – đã ghi nhận tổng cộng hơn 50.000 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.
Bộ Y tế Italy ngày 23/11 ghi nhận thêm 630 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 50.453 người. Ngoài ra, Italy ghi nhận thêm 22.930 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia châu Âu này lên thành 1.431.795 người.
Số liệu trên cho thấy Italy đã gia nhập nhóm các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh cùng ghi nhận số người chết do COVID-19 vượt ngưỡng 50.000 ca. Với việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Italy đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, song số ca mắc mới lại tăng mạnh trong mấy tháng gần đây.
Chính phủ Italy đã tìm cách tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi biện pháp này làm tê liệt nền kinh tế, thay vào đó tập trung vào các lệnh hạn chế theo khu vực bên cạnh lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Nga thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ trước đến nay, với 25.173 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 2,1 triệu ca, trong đó có 36.540 ca tử vong (sau khi thêm 361 ca tử vong mới). Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thừa nhận tình hình đại dịch ở nước này đang rất căng thẳng.
Tại Anh, ngày 22/11, hãng BBC dẫn nguồn Văn phòng Nội các Anh cho hay các bộ trưởng các vùng England, Scotland, Wales và Bắc Ireland đã ủng hộ kế hoạch cho phép các gia đình khác nhau được tụ họp trong một số ngày dịp lễ Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh người dân vẫn cần đề phòng, tránh đi lại và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Đầu tháng này, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 4 tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo các số liệu chính thức, Anh đã ghi nhận tổng cộng 1,5 triệu ca mắc COVID-19 với trên 55.000 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Đức, do dịch chưa có dấu hiệu giảm, chính quyền thành phố Berlin dự định sẽ hủy bỏ buổi lễ âm nhạc và ánh sáng đón mừng Năm mới 2021, vốn được tổ chức hằng năm ở khu vực Cổng Brandenburg và thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người.
Lễ đón mừng năm mới với âm nhạc, ánh sáng và màn bắn pháo hoa được tổ chức vào đêm Giao thừa hằng năm ở khu vực kéo dài từ Cổng Brandenburg tới Tượng đài Chiến thắng tại Berlin được coi là bữa tiệc ngoài trời đón năm mới lớn nhất ở Đức.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 18/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Mỹ, bang Nevada siết chặt các biện pháp hạn chế tại sòng bạc, nhà hàng, quán bar và áp đặt quy định buộc đeo khẩu trang trên toàn bang trong 3 tuần tới. Các biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 24/11 trong bối cảnh chính quyền cấp bang và địa phương trên toàn nước Mỹ đang áp đặt trở lại một loạt biện pháp nhằm hạn chế số ca nhiễm gia tăng ở mức báo động sau khi tạm lắng trong mùa Hè qua.
Trong khi đó, chính quyền bang New York cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc mới trong thời gian từ nay đến tháng 1/2021 vì các kỳ nghỉ lễ nối tiếp nhau và người dân có xu hướng đi lại nhiều để gặp gỡ nhau cũng như đón mừng ngày lễ.
Chính quyền kêu gọi người dân không mất cảnh giác khi một số khu vực ở bang New York đang được khuyến cáo chuyển sang mức cảnh báo màu vàng, đỏ, hoặc cam đối với dịch bệnh trong tuần này, trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 dự kiến phải đến tháng 12 tới hoặc tháng 1 năm sau mới có.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer. Ảnh: AFP/TTXVN
Thế giới đón nhận thêm một tin vui trong tiến trình phát triển vaccine phòng COVID-19 sau khi vaccine tiềm năng của hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford cho hiệu quả thử nghiệm tới 90% chỉ với một liều sử dụng.
Giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết tính hiệu quả và an toàn của vaccine đã được khẳng định trong các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 22/11/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại châu Á, giới chức y tế Trung Quốc tiến hành xét nghiệm quy mô lớn tại Sân bay quốc tế Phố Đông lớn nhất ở thành phố Thượng Hải (Shanghai) sau khi một ổ dịch nhỏ bùng phát trong thành phố có liên quan tới hai nhân viên làm việc bốc dỡ hàng hóa ở sân bay.
Hơn 17.700 nhân viên sân bay này đã được xét nghiệm và cho đến nay có 11.500 xét nghiệm cho kết quả âm tính. Trung Quốc đang triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt sau khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng.
Gần đây, giới chức nước này đã chuyển sự chú ý vào thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và các mặt hàng nhập khẩu khác, coi đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng.
Nhân viên đợi đón khách tại một nhà hàng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Nhật Bản, ngày 23/11, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.167 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 133.730 người, trong đó 2.001 người tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 2.000 ca.
Nhiều chuyên gia lo ngại cách tiếp cận theo hướng tập trung xử lý các cụm lây nhiễm để khống chế dịch đang bộc lộ các hạn chế và cần có các biện pháp quyết liệt hơn để dập dịch.
Việc xử lý các cụm lây nhiễm do trung tâm y tế công cộng trên toàn quốc thực hiện cho phép giới chức y tế truy vết những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 để xác định nguồn lây nhiễm. Phương pháp này được cho là có hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cho đến thời điểm này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, tình hình hiện nay, được nhiều chuyên gia mô tả là làn sóng lây nhiễm thứ ba, khác xa so với hai đợt bùng phát trước về độ đa dạng và quy mô của các cụm lây nhiễm. Các chuyên gia cho rằng việc xử lý cụm lây nhiễm mang lại hiệu quả trong việc khống chế các ổ dịch ở những khu vực mà dịch bệnh chưa lan rộng.
Tuy nhiên, việc khống chế dịch bệnh ở những khu vực không xác định được con đường lây nhiễm của 50% số ca nhiễm mới là khá khó khăn. Vì vậy, chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc hạn chế sự đi lại giữa các tỉnh, thành. Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 có thể sẽ tạm lắng ở Nhật Bản khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng ở nhiều địa phương.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 di động được thiết lập ở tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc ngày 20/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) thông báo thêm 271 ca nhiễm mới ở nước này, trong đó có 255 ca lây nhiễm trong nước và 16 ca “ngoại nhập”, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 31.004 người.
Cũng theo KDCA, đã có thêm 4 người tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 ở Hàn Quốc lên 509 người. Đáng chú ý, quân đội Hàn Quốc cùng ngày thông báo 33 ca nhiễm mới, con số ghi nhận theo ngày trong quân đội cao nhất, trong bối cảnh bùng phát ổ lây nhiễm tại một đơn vị quân đội ở thị trấn biên giới Cheorwon.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội đối với thủ đô Seoul và vùng phụ cận cũng như khu vực Đông Nam. Theo quyết định này, mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong hệ thống cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp ở nước này, sẽ được áp dụng tại các khu vực trên bắt đầu từ ngày 24/11.
Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.416 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 26.400 người.
Diễn biến nổi bật trong vòng 1 ngày qua đó là tình hình dịch bệnh tại Lào. “Đất nước triệu voi” đã ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 39.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.884 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào. Ảnh: NPR
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.259 ca bệnh mới và 26 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 26.403 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 196 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.123.809 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 974.840 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có chỉ có Timor Leste và Campuchia là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 23/11.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên phố ở Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 9/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Đại Dương, hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria đã mở lại biên giới giữa hai bang sau hơn 4 tháng đóng cửa, trong bối cảnh bang Victoria đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, làm dấy lên hy vọng về khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng và tình hình sớm bình thường trở lại.
Quyết định này sẽ giúp tăng lưu lượng giao thông hàng không giữa Melbourne với Sydney – một trong những tuyến vận tải hàng không đông đúc nhất trên thế giới trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Đầu tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ, NSW và Victoria đã đóng cửa biên giới giữa hai bang nhằm khống chế dịch COVID-19. Trước đó, lần gần nhất hai bang này đóng cửa biên giới là vào năm 1919 trong đợt bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha.
https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6-gio-sang-2411-the-gioi-tren-594-trieu-ca-benh-so-ca-tu-vong-o-chau-au-tang-manh-20201124002105347.htm
Ý kiến ()