Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 11:21 (GMT +7)
Hai Hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu: Những vấn đề bỏ ngỏ
Thứ 2, 29/05/2017 | 15:33:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Những vấn đề cốt lõi như điều 5 của Hiến chương NATO, thương mại tự do và biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn bị bỏ ngỏ sau cả 2 hội nghị.
Trong các ngày từ 25 – 27/5 đã diễn ra 2 Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) và Hội nghị các nước Công nghiệp phát triển (G7) ở Sicily (Italy). Cả 2 hội nghị đều lần đầu tiên có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là những chính sách “khác lạ” của ông Trump sẽ được thể hiện tại 2 diễn đàn của tổ chức quân sự và kinh tế có vị thế toàn cầu này.
Từ mục tiêu của hội nghị…
Ngày 25/5, lãnh đạo 28 nước thành viên NATO đã nhóm họp tại trụ sở mới ở Brussels (Bỉ). Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng để đóng góp cho kế hoạch hành động của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố và chia sẻ công bằng các chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên.
Ông Trump tham dự Hội nghị này trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Anh và Israel trải qua những sóng gió nhất định liên quan đến việc rò rỉ thông tin tình báo.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO “sẽ trở thành một thành viên đầy đủ của liên quân quốc tế” chống khủng bố, trước đó một số thành viên đã tham gia với tư cách độc lập. Theo đó, tổ chức này cũng sẽ tham gia vào các việc hoạch định chính sách, phối hợp đào tạo và tăng cường năng lực chiến đấu của liên quân.
Tiếp sau là Hội nghị G7 (26/5) cũng diễn ra ở Sicily (Italy). Hội nghị cũng cam kết về những nỗ lực chống khủng bố sẽ được nâng cao hơn, kể cả việc điều tra, ngăn chặn và truy lùng những nhân tố khủng bố; các nhà lãnh đạo kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.
Lãnh đạo G7 cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau các động thái liên tiếp thử tên lửa gây gia tăng căng thẳng vừa qua, đồng thời kêu gọi Nga và Iran sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên “các thực thể tranh chấp”.
Tuy nhiên, khi kết thúc Hội nghị G7 những người đứng đầu nhóm đã cũng đã thông qua một tuyên bố chung về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu. Theo đó, G7 nhấn mạnh rằng, coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để “tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ”, bao gồm cả các quốc gia trong và ngoài G7.
Đến lập trường của tân Tổng thống Mỹ…
Lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh của NATO, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố với lãnh đạo các nước đồng minh rằng Mỹ sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu chống khủng bố, đồng thời lên án vụ đánh bom liều chết ở Manchester là “man rợ”.
Được biết, ngay trước thềm các hội nghị, ông Trump đã bất ngờ đổi giọng với Nga. Ông nói: “Trong tương lai, NATO cần phải tập trung chống chủ nghĩa khủng bố và vấn đề di cư, cũng như các mối đe dọa từ nước Nga, từ phía Đông và phía Nam”.
Tại các diễn đàn, ông Trump cũng đã thể hiện quan điểm của mình, khi cho rằng, các đồng minh NATO phải thực hiện chi quốc phòng đúng như quy định là 2%, rằng Washington không thể dùng tiền thuế của người dân Mỹ để bảo vệ đồng minh. Ông Trump khẳng định NATO “dứt khoát phải đóng góp công bằng và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ”.
Đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của LHQ mà người tiền nhiệm Obama đã ký kết, ông Trump chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào; về quan hệ với EU, trong một cuộc họp tại Brussels, ông Trump còn phàn nàn rằng, thặng dư thương mại của Đức là “rất tồi tệ”.
Theo giới quan sát, Tổng thống Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên không tái khẳng định cam kết tuân thủ nguyên tắc phòng vệ tập thể của NATO. Ông Nick Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO nhận xét: “Đây là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ năm 1949 không đề cập Điều 5 trong Hiến chương NATO”…
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bảo vệ những quan điểm của ông Trump, mặc dù thừa nhận ông Trump đã nói ra những vấn đề một cách “quá thẳng thắn”. Ông Stolteberg cho rằng, đã có một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ NATO từ Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Và vẫn còn những khác biệt lớn…
Theo giới quan sát, ở cả 2 hội nghi NATO và G7, ông Trump đều được đón tiếp với tâm thế thận trọng của các nhà lãnh đạo. Bởi lẽ, trong chiến dịch tranh cử mang tên “nước Mỹ trên hết”, ông Trump tuyên bố “NATO đã lỗi thời” và ông sẽ xóa bỏ hàng loạt các hiệp định tự do thương mại đa phương giữa Mỹ với nhiều nước khác để thực hiện chủ trương bảo hộ thương mại.
Giới chức NATO, thậm chí đã thay đổi cả phương thức tiến hành để phù hợp hơn với phong cách của ông Trump như: thay đổi ngày họp, rút ngắn thời lượng các phiên thảo luận trong ngày, yêu cầu các diễn giả rút gọn bài phát biểu… nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều “lấn cấn”, khó hiểu nảy sinh sau khi hội nghị kết thúc.
Tự do thương mại và khí hậu, hai vấn đề được cho là gây tranh cãi nhất. Vì trước đó, ông Trump đã từng đe doạ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu được kí kết vào năm 2015 tại Paris. Tuy nhiên, vẫn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Tristen Naylor, giảng viên về phát triển tại Đại học Oxford, phó giám đốc nhóm nghiên cứu G20, cho rằng: “Đây là cơ hội thực sự đầu tiên mà cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Mỹ phải bắt tay, đặc biệt là về chính sách môi trường”, nhưng trên thực tế điều này đã không đạt được.
Các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng liên quan vấn đề biến đổi khí hậu. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cho biết Tổng thống Mỹ Trump chưa đưa ra lập trường rõ ràng liên quan Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Như vậy, ở cả 2 hội nghị, giới chức NATO và G7 đều kỳ vọng ở ông Trump điều chỉnh quan điểm của mình, ít ra cũng có cách giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi như điều 5 của Hiến chương NATO, thương mại tự do và biến đổi khí hậu toàn toàn cầu vẫn được bỏ ngỏ sau khi cả hai hội nghị kết thúc vào ngày 27/5 vừa qua, khiến dư luận vẫn còn phải chờ đợi./.
CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN
Ý kiến ()