Ngày 13/5, tại thủ đô Moskva, Nga, hội thảo “Triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt Nam trong giai đoạn mới,” đã diễn ra.
Hội thảo, do Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) tổ chức, diễn ra trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nga, và đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu Liên bang Nga, cùng đông đảo các sinh viên, nghiên cứu sinh người Nga chuyên ngành về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam.
Tại hội thảo, các học giả đã trình bày nhiều bài tham luận, đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích và cùng thảo luận về nhiều khía cạnh trong mối quan hệ Nga-Việt.
Đáng chú ý là các ý kiến phân tích ý nghĩa chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực năng lượng, văn hóa, giáo dục, mối quan hệ Nga-Việt là cầu nối để Nga tiến vào ASEAN…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương học, khẳng định mối quan hệ truyền thống Nga-Việt là tổng hoà của sự tin tưởng và quan tâm lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Theo ông Mosyakov, bên cạnh việc hợp tác trong các vấn đề chính trị quốc tế, trong chuyến thăm Nga lần này, lãnh đạo 2 nước sẽ chú trọng nhiều tới thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế, các dự án công nghiệp điện hạt nhân, lọc dầu, nông nghiệp và kỹ thuật quân sự
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc Việt Nam chọn Liên bang Nga là điểm đến trong chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh điều này sẽ rất có lợi cho mối quan hệ vốn đã có truyền thống lâu đời giữa hai nước.
Đa số ý kiến còn cho rằng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao “quay sang phía Đông” của Nga trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây cấm vận cả về chính trị và kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam và ASEAN còn là yếu tố góp phần giúp Nga đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác thương mại ở phía Đông, để tránh dẫn tới tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc./.
Ý kiến ()