Thứ Tư, 22/01/2025 22:43 (GMT +7)

Khủng hoảng vùng Vịnh: Leo thang các biện pháp trả đũa

Thứ 3, 11/07/2017 | 15:38:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Qatar đã nêu ra các điều kiện với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), nếu không được đáp ứng họ sẽ rút khỏi tổ chức này.

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó nêu ra các điều kiện của Qatar, nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi tổ chức.

khung hoang vung vinh leo thang cac bien phap tra dua hinh 1
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) có mặt tại Kuwait, bắt đầu chuyến công du vùng Vịnh để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước trong khu vực với Qatar. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Al-Thani cam kết, Qatar tuân thủ các luật và các công ước quốc tế, đặc biệt liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố và tài trợ khủng bố, đồng thời nhấn mạnh Qatar sẽ không thương lượng vấn đề chủ quyền của nước mình. Ông tuyên bố Qatar sẽ ra thông báo có thời hạn 3 ngày cho các quốc gia vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar và bồi thường những thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế mà Qatar phải gánh chịu.

Trong thư, Ngoại trưởng Qatar nêu rõ hết thời hạn này, Qatar sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Ngoài ra, phía Qatar cũng tuyên bố thành lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường, có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại xuất phát từ hoạt động phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh.

Bộ trưởng tư pháp Qatar Ali bin Fetais Marri cho biết, Ủy ban sẽ vận dụng các cơ chế trong nước và quốc tế cũng như sẽ thuê các công ty luật nước ngoài theo đuổi đòi bồi thường các nước đã cô lập Qatar.

“Ủy ban sẽ tiếp nhận hồ sơ của tất cả các khiếu nại, sắp xếp, sau đó bắt đầu tìm kiếm phương thức đòi bồi thường căn cứ theo luật địa phương hay luật pháp quốc tế”, ông Marri nêu rõ.

Trong khi đó, Ai Cập cũng đã kêu gọi loại bỏ Qatar ra khỏi Liên minh toàn cầu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ, cần loại bỏ tư cách thành viên của Qatar, vì sự tham gia của nước này có thể ảnh hưởng đến uy tín của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng thông báo sẽ sớm đưa ra các bằng chứng về việc Qatar hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố.

“Bốn nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập rất lấy làm tiếc bởi những đáp trả tiêu cực từ phía Qatar. Qatar đã không nghiêm túc xử lý vấn đề của mình. Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết sâu sắc từ phía Qatar”, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói.

Tháng trước, 4 nước Arab là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến đường giao thông với Qatar, cáo buộc quốc gia này hỗ trợ cho những tổ chức khủng bố.

Trong một nỗ lực của Mỹ nhằm hàn gắn những bất đồng giữa Qatar và bốn nước Arab trong bối cảnh các bên tiếp tục tìm biện pháp trả đũa lẫn nhau, ngày 10/7, Ngoại trưởng Rex Tillerson bắt đầu chuyến thăm một loạt các nước là Kuwait, Qatar và Saudi Arabia để gặp gỡ lãnh đạo các nước Vùng Vịnh.

Thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Tillerson sẽ ở vùng Vịnh 4 ngày. Theo đó, ông Tillerson di chuyển từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đến Kuwait trong ngày 10/7 để thảo luận với Tiểu vương Kuwait. Sau đó, ông sẽ thăm Qatar và Saudi Arabia. Chi tiết cụ thể của những cuộc họp này không được công bố.

Chuyến thăm nhằm tìm kiếm bước đột phá trong cuộc khủng hoảng ngoại giao, sau các biện pháp trừng phạt mà Saudi Arabia và đồng minh tiến hành với Qatar.

Căng thẳng gia tăng giữa Qatar và 4 nước Arab đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn vì Mỹ là đồng minh với các quốc gia ở cả hai bên tranh chấp. Hơn nữa, Qatar là nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ và một căn cứ không quân hiện đại mà Mỹ thường sử dụng để không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong khi đó, Saudi Arabia có mối quan hệ hợp tác chống khủng bố với Mỹ và là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ.

Trước chuyến công du này, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu