Thứ Năm, 23/01/2025 03:47 (GMT +7)

Nga còn nhiều kế sách đáp trả trừng phạt từ Mỹ

Thứ 3, 01/08/2017 | 10:08:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Không nhất thiết phải dùng đến công cụ kinh tế để đáp lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, Moscow cũng đã có thể khiến Washington phải lao tâm khổ tứ.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này vẫn bảo lưu quyền để “đánh lại” những lợi ích của Mỹ nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất từ Washington.

nga con nhieu ke sach dap tra trung phat tu my hinh 1
Vốn cùng muốn cải thiện quan hệ song phương nhưng Tổng thống Donald Trump buộc phải ký trừng phạt Nga còn Tổng thống Vladimir Putin đành phải đáp trả. (Ảnh minh họa: TASS)

Thông tin đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu 755 nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này để đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật dự luật trừng phạt Nga mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua ngày 27/7.

Tranh cãi ngoại giao Nga – Mỹ khơi mào từ năm ngoái khi cựu Tổng thống Barack Obama yêu cầu 35 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này với cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ cũng như việc Nga đồng ý sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không phản ứng ngay mà quyết định chờ đợi Washington đổi ý khi Nhà Trắng có chủ mới đầu năm 2017.

“Chúng tôi đã đợi đủ lâu với hy vọng rằng tình hình có thể thay đổi tốt đẹp hơn nhưng dường như kể cả khi có thay đổi thì điều đó cũng không xảy ra sớm”, ông Putin nói sau khi đưa ra quyết định đáp trả trừng phạt của Mỹ ngày 30/7.

Suốt quãng thời gian chờ đợi đó, các chuyên gia và quan chức Nga đã “hiến” rất nhiều kế sách mà điện Kremlin có thể dùng để đáp trả Mỹ.

Chính Mỹ gợi ý cho Nga cách đáp trả?

Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Nhân văn Moscow, ông Nikolai Platoshkin chỉ ra rằng, chính văn bản đạo luật của Mỹ nhằm trừng phạt Nga đã gợi ý cho Moscow các biện pháp đáp trả.

“Phần 237 đã nêu rõ là các biện pháp bao gồm trong đạo luật này không cản trở hoạt động của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA)”, ông Platoshkin nêu rõ. “Nga có thể ngừng việc đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), để họ dùng ngựa mà đi”.

Bên cạnh đó, theo ông Platoshkin, Nga cũng có thể rút tiền đầu tư vào Bộ Tài chính Mỹ. “Sao chúng ta không đặt tiền vào trái phiếu Đức chẳng hạn?” – ông Platoshkin gợi ý.

Nhẹ nhàng hơn, ông Platoshkin cho rằng, Nga có thể ngừng xuất khẩu phân bón sang Mỹ mà cũng “chẳng mất gì cả” bởi “các công ty của Trung Quốc còn mua nhiều gấp đôi như thế”.

Chuyên gia này cho rằng có vô vàn cách để Nga có thể đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Nga có thể chuẩn bị một báo cáo về việc các thành viên trong nhóm tinh hoa doanh nhân của Mỹ thích cất giữ tiền ở đâu”, ông Platoshkin cho biết. “Nếu bạn nhìn vào danh sách 10 cái tên trốn thuế mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy lùng gắt gao nhất thì sẽ chẳng thấy người Nga mà chỉ toàn người Mỹ. Cơ quan thuế của Nga có thể giúp các đồng nghiệp của họ ở Mỹ”.

Nga “chấp” Mỹ công cụ trừng phạt kinh tế

Chia sẻ với đài phát thanh Sputnik, nhà phân tích Alexei Fenenko, Phó giáo sư Khoa Chính trị thế giới của Đại học Moscow, cũng đã chỉ ra một số lĩnh vực nhạy cảm nhất của Mỹ mà Nga có thể xoáy vào.

“Văn hóa Mỹ là văn hóa súng lục”, ông Fenenko nói. “Nếu bạn không đáp trả, bạn sẽ thua. Nga đã rất kiên nhẫn đợi Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt đó nhưng phản ứng như vậy chỉ càng làm Mỹ lấn tới”.

Chuyên gia này cũng cho rằng các biện pháp đáp trả của Nga không nhất thiết phải đụng đến công cụ kinh tế. “Nga có thể đưa ra một cái giá không thể chấp nhận được. Đó là mỗi một lệnh trừng phạt sẽ bớt đi một thỏa thuận về giải trừ vũ khí”, ông Fenenko nêu rõ.

Ông lấy ví dụ là Hiệp ước Cấm thử hạt nhân tổng thể (Comprehensive Nuclear-Test-Ban Treaty, CTBT). Hiệp ước này cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân vì cả mục đích dân sự và quân sự ở mọi môi trường và nó đã thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế đối với bất cứ dấu hiệu nổ hạt nhân nào dưới lòng đất, dưới nước hay trên mặt đất.

Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống này. Trong trường hợp Nga rút khỏi thỏa thuận này và hủy hoàn toàn hợp tác với Mỹ trong vấn đề này, hàng tỷ USD mà Washington đã chi ra coi như “đổ sông đổ bể”.

Ngoài ra, Nga có thể cấm vận chuyển uranium làm giàu ở mức thấp sang Mỹ, nơi có tới 1/3, thậm chí là một nửa số nhà máy điện hạt nhân sử dụng nhiên liệu này từ Nga.

Đó là chưa kể việc Nga hoàn toàn có quyền đóng vùng trời đối với những máy bay chở hàng của liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp viện cho lực lượng ở Afghanistan.

Nhưng ông Putin vẫn “vương vấn” với ông Donald Trump?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định rằng Nga có một loạt các biện pháp khác để đáp trả lại Mỹ.

Tuy nhiên, ông không cho rằng các biện pháp đối phó thêm để đáp trả lại chính sách không thân thiện của Mỹ là thiết thực vào lúc này bởi chúng có thể tổn hại đến các mối quan hệ quốc tế của Nga.

“Về khả năng có thêm các biện pháp khác hay liệu như thế có là quá nhiều hay không, điều này khá là nhức nhối nhìn từ quan điểm hoạt động của phái bộ ngoại giao”, ông Putin chia sẻ với truyền thông Nga.

Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời các chuyên gia cho rằng, trong vấn đề này, Quốc hội Mỹ đã “trói tay” Tổng thống Donald Trump, người vốn chủ trương cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow theo hướng tốt đẹp hơn.

Với việc dự luật trừng phạt Nga nhận được sự ủng hộ áp đảo tại cả 2 viện Quốc hội Mỹ (419 phiếu thuận, 3 phiếu chống tại Hạ viện và 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống tại Thượng viện), Tổng thống Donald Trump đành phải ký thành luật văn bản này để tránh cảnh bị “muối mặt” khi các thành viên cùng đảng Cộng hòa lại bỏ phiếu bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống./.

Diệu Hương/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu