Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 21:42 (GMT +7)
Nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra: Hoa hồng và song sắt
Thứ 5, 24/08/2017 | 14:41:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Yingluck Shinawatra không chỉ được biết đến là một người đàn bà đẹp mà còn là nữ Thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng.
Yingluck Shinawatra có lẽ là người phụ nữ nổi tiếng nhất Thái Lan, người ta biết tới bà vì bà là một người đàn bà đẹp, tất nhiên vì đó là thế mạnh của bà. Nhưng hơn nữa, người ta biết tới bà vì bà là nữ Thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng.
Thành lập chính phủ và đứng đầu từ năm 2011 khi 44 tuổi, bà là Thủ tướng trẻ nhất trong vòng 60 năm của Thái Lan. Trong hơn 3 năm trên cương vị Thủ tướng, đó cũng là ba năm sóng gió nhất trong cuộc đời chính trị của bà. Đối mặt với hàng loạt sức ép từ phe quân đội, biểu tình, ngập lụt lịch sử ở Bangkok… người phụ nữ có khuôn mặt của một diễn viên cũng gục ngã bằng một lệnh buộc phải từ chức từ tòa án. Kèm theo đó là hàng loạt những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, lạm quyền và những vụ kiện dai dẳng.
Hình ảnh vượt cả Thaksin
Là con út trong gia tộc Shinawatra giàu có và đầy quyền uy ở phía Bắc Thái Lan. Chiang Mai là nơi Yingluck bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với vai trò là Nghị sỹ Quốc hội đại diện cho tỉnh lớn thứ 2 của Thái Lan. Ở Thái Lan, tên của dòng họ không bao giờ trùng nhau và khi mang họ Shinawatra, tức là người ta đã biết Yingluck tới từ một gia đình quyền uy mà nơi đó, người anh trai của bà Thaksin Shinawatra là người đứng đầu. Thaksin cũng từng là Thủ tướng của Thái Lan.
Việc Yingluck làm chính trị là điều bắt buộc bởi trước những năm 2010, người anh của bà đã phải sống lưu vong sau cuộc chính biến năm 2006. Đảng mà người anh của bà làm Chủ tịch buộc phải giải thể, những người trung thành với đường lối của nhà Shinawatra đã đứng ra lập một đảng mới là Pheu Thai (Vì nước Thái) và mời Yingluck lên làm Chủ tịch đảng.
Lúc đó, Yingluck chỉ là một doanh nhân và bà đã từng tuyên bố rằng không muốn làm chính trị. Nhân vật thân cận lúc đó của nhà Shinawatra là Sompong Amornvivat cũng từng nói với Đại sứ Mỹ ở Thái Lan Eric John rằng ông cũng không có dự định tạo ra một vị thế lớn cho Yingluck ở đảng Pheu Thai. Nhưng cuối cùng, điều gì đến cũng đến, trong những phút cuối cùng, Yingluck đã xuất hiện và nắm quyền điều hành đảng, mở đường cho bà lên làm thủ tướng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc Yingluck làm chính trị chỉ là một bình phong cho người anh trai đang lưu vong ở nước ngoài và Thaksin mới là người điều hành từ sau tấm màn. Nhưng có lẽ, nhận định đó đã nhầm. Trong hơn 3 năm điều hành chính phủ kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011, theo một khảo sát cho thấy nội các của bà được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế, thậm chí hơn cả thời mà Thaksin nắm quyền.
Người ta cũng còn nhớ tới hình ảnh của một người phụ nữ đẹp với trang phục gọn gàng trực tiếp đeo ủng tới những vùng ngập lụt nặng nhất của Bangkok để hỗ trợ cho người dân. Rồi những hành động mạnh tay trong cải cách, việc ban hành những chính sách hướng tới dân nghèo. Thậm chí trong những lần cải tổ nội các, bà còn tự mình đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Đây là những điều đã nâng tầm hình ảnh của Yingluck để vượt qua cái bóng lớn của người anh trai Thaksin.
Biến cố ập tới
Thái Lan chưa bao giờ là đất nước có sự bình yên về chính trị. Kể từ khi đất nước Siam bị xóa tên và thay vào đó là Thái Lan vào năm 1932, có tổng cộng 12 lần quân đội tiến hành đảo chính. Thái Lan còn bị gắn cho một cái tên chẳng lấy gì làm tự hào “Đất nước của những cuộc đảo chính”. Yingluck cũng chung số phận đó.
Tháng 5/2015, quân đội lần thứ 12 can thiệp vào chính trường với lý do làm ổn định tình hình đất nước sau những cuộc biểu tình kéo dài. Yingluck phải ra đi nhưng sự ra đi của bà không giúp đất nước Thái Lan ổn định hơn. Tư lệnh lục quân khi đó là tướng Prayuth Chan-ocha là người chỉ huy cuộc đảo chính và ông trở thành Thủ tướng tới bây giờ.
Hơn 3 năm sau chính biến đó, Thái Lan vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ quân sự. Còn đối với Yingluck, đó là việc bị quản thúc và đối mặt với những lệnh triệu tập của tòa án.
Với tư cách là Chủ tịch ủy ban lúa gạo khi còn nắm quyền, Yingluck đã đưa ra chính sách hỗ trợ giá cho người nông dân. Tức là chính phủ sẽ tiến hành mua gạo của người dân vào mỗi vụ thu hoạch cao hơn giá thị trường sau đó sẽ tạm trữ lại trong các kho. Với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thời điểm đó, việc “găm hàng” như thế này được dự báo là khiến giá gạo thế giới tăng mạnh vì nguồn cung giảm đi. Nhưng điều đó cũng kéo theo việc chính phủ Thái Lan phải chi tới 10 tỷ USD/năm và ảnh hưởng lớn tới cân bằng ngân sách quốc gia. Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan đối với Yingluck.
Những người ủng hộ bà Yingluck vẫn tiếp tục đón bà tại cửa Tòa án Tối cao bằng những bông hoa hồng và trong kia, một bản án 10 năm cũng đang chờ đợi “Người đàn bà đẹp” của Thái Lan. |
Nhưng rồi chính sách trợ giá này lại gây tác dụng ngược lại đối với bà. Sau khi bị phế truất khỏi cương vị Thủ tướng, Yingluck ngay lập tức phải đối mặt với cáo buộc lạm quyền và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng gạo trong kho không bán được, hoặc cũng có thể là chính quyền mới chưa muốn bán. Yingluck bị quản thúc và đối mặt với những phiên điều trần.
Tòa án buộc Yingluck phải bồi thường số tiền thất thoát trong ngân sách, lên tới hàng tỷ USD, một con số mà ngay cả gia đình giàu có như Shinawatra cũng không thể đáp ứng. Nếu không, bà phải ngồi tù. Yingluck tuyên bố mình vô tội và cho rằng những chính sách mình đưa ra để giúp đỡ người dân. Trong chính trị, ai cũng hiểu đó là hành động lấy lá phiếu của người nông dân cho Yingluck.
Những câu chuyện về Yingluck ngày càng ít đi trong xã hội Thái Lan, không phải họ không muốn nói về bà nữa mà có lẽ là họ sợ thì đúng hơn. Người dân Thái Lan hiện nay đã chán ngán nói tới chính trị, với biểu tình và đảo chính. Không thể phủ nhận dưới thời Yingluck, kinh tế phát triển nhưng sự ổn định về chính trị là không có.
Dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự, Thái Lan tương đối ổn định về an ninh, chính trị nhưng sự phát triển kinh tế lại kém hơn. Một cuộc bầu cử dân sự dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2018 sau khi tổ chức được cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới vào năm 2016. Những người ủng hộ bà vẫn rất đông đảo nhưng trong cuộc bầu cử lần tới, chắc chắn sẽ không có bà.
Yingluck bị quản thúc và cấm xuất cảnh, bà cũng tuyên bố là sẽ chiến đấu hết mình vì công lý. Những hoạt động do bà tổ chức vẫn diễn ra, người ta thấy một hình ảnh bình dị hơn từ bà, một người phụ nữ của gia đình, của công việc đồng áng, nấu ăn và nội trợ thay vì của một nữ chính trị gia.
Những người ủng hộ bà Yingluck vẫn tiếp tục đón bà tại cửa Tòa án Tối cao bằng những bông hoa hồng và trong kia, một bản án 10 năm cũng đang chờ đợi “Người đàn bà đẹp” của Thái Lan./.
Quang Trung/VOV-Bangkok
Ý kiến ()