Thứ Tư, 22/01/2025 22:58 (GMT +7)

Ra lệnh cấm vận mới, Nhà Trắng mạnh tay hơn với mối quan hệ Trung-Triều

Thứ 7, 15/07/2017 | 11:42:00 [GMT +7] A  A

Mỹ được cho là đang chuẩn bị một vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc làm ăn kinh tế với Triều Tiên, hãng Reuters (Anh) đưa tin.

Các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm đến một số công ty và hãng tài chính nhỏ thay vì các ngân hàng lớn, và có thể sẽ được thông báo trong vòng vài tuần tới. Mỹ đã áp đặt vòng cấm vận đầu tiên lên các doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với Triều Tiên từ cuối tháng 6 – một cách để gây áp lực lên đối tác tài chính lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong những tháng gần đây cùng với tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ, đã gióng một hồi chuông cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế cũng như trở thành phép thử chính sách ngoại giao lớn nhất đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quốc kỳ Trung Quốc và Triều Tiên được treo bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên tại Ningbo, tỉnh Chiết Giang năm 2016. Ảnh: Reuters

Chính quyền Donald Trump đã tìm cách để thuyết phục Trung Quốc – đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của Triều Tiên xưa nay – sử dụng lợi thế này để yêu cầu nước láng giềng từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng vẫn bày tỏ một sự lạc quan và xem Triều Tiên như một vấn đề giải quyết được dễ dàng với sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người mà ông Trump từng có một buổi hội đàm thượng đỉnh thân thiện vào tháng 4.
Tuy nhiên Bắc Kinh, như đã làm trong quá khứ, đa phần lại chống lại các yêu cầu của Tổng thống Mỹ. Sau khi ông Trump công khai chỉ trích và ép Bắc Kinh phải kiểm soát hỗ trợ kinh tế đối với Bình Nhưỡng, giao dịch thương mại giữa hai nước láng giềng này thậm chí đã tăng 37% trong quý đầu năm 2017 theo như một thống kê hồi tháng 4. Ông Trump mới chỉ biết đến bản thống kê này vào tuần trước.
Trung Quốc lo ngại về một đất nước Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân. Nhưng Bắc Kinh còn đặc biệt lo ngại hơn nếu chế độ của nước láng giềng sụp đổ khiến hàng triệu người tị nạn Triều Tiên tràn sang hay như khả năng về việc quân đội Mỹ – Hàn lại đóng quân bên bờ sông Yalu giáp biên giới tỉnh Đan Đông của nước này.
Tổng thống Trump đã thú nhận về những điều trên tại cuộc họp báo ngày 12/7 diễn ra trên chuyên cơ Không lực Một đang bay tới Pháp để mừng ngày Quốc khánh Pháp. Ông nhắc đến những “áp lực gay go” mà Trung Quốc phải đối mặt trong mối quan hệ với Triều Tiên. “Nó không giống như việc bạn chỉ làm những điều mà chúng tôi nói. Họ đã có nhiều cuộc chiến tranh với Hàn Quốc”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Nhà Trắng đã hành động nhanh chóng sau khi nhận thấy chiến lược thuyết phục không phát huy tác dụng: phê duyệt hợp đồng bán vũ khí vốn bị trì hoãn cho Đài Loan, cử một số đội tàu tự do hàng hải tới những vùng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, đồng thời áp đặt vòng cấm vận thứ hai nhắm vào các tổ chức và cá nhân quan hệ tài chính với Bình Nhưỡng.
Các biện pháp trừng phạt là hành động duy nhất tính đến nay cho thấy rõ mục tiêu muốn gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Bán vũ khí hay sự điều chuyển của các hạm đội đã xảy ra và sẽ lặp lại sớm hay muộn.
Bên cạnh đó, cấm vận cũng là biện pháp có tiềm năng lớn nhất để làm khó Bắc Kinh. Nước này xem các biện pháp cấm vận của Mỹ là vi phạm chủ quyền quốc gia cũng như lo ngại trừng phạt sẽ gây gián đoạn nền kinh tế.
Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nổi giận trước những câu hỏi của báo giới về hoạt động thương mại đang diễn ra giữa nước này với Bình Nhưỡng dường như vi phạm các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc.
“Đừng nhầm lẫn, các biện pháp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (đối với Triều Tiên) không thể đánh đồng với các cấm vận kinh tế toàn diện. Việc duy trì trao đổi thương mại và kinh tế bình thường giữa Trung Quốc và Triều Tiên không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời phóng viên.
Xuân Chi/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu