Thứ Năm, 23/01/2025 12:00 (GMT +7)

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thái Lan phát triển sâu rộng và hiệu quả

Thứ 3, 15/08/2017 | 14:55:00 [GMT +7] A  A

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 17–19/8/2017.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp. Trên cơ sở quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng tin cậy, gắn bó, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác được đẩy mạnh. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976 nhưng quan hệ Việt Nam – Thái Lan bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 9/1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược” và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Tiếp đó, hai bên đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2014 – 2018, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (tháng 11/2014).

Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật là các cơ chế: Họp nội các chung Việt Nam – Thái Lan; Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan; Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước…

Hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Đầu năm 2015, hai bên nhất trí mở kênh hợp tác lao động – một lĩnh vực hợp tác mới đang được thúc đẩy.

Hai nước hợp tác chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực, khu vực và tại các diễn đàn quốc tế… Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31/12/2015, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường phối hợp, góp phần củng cố đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.

Hợp tác kinh tế hiệu quả

Hoạt động thương mại, đầu tư được xem là điểm sáng trong mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước. Đối với Thái Lan, một nền kinh tế phát triển mạnh, đứng thứ hai Đông Nam Á, đã có nhiều động thái xâm nhập sâu hơn vào các nền kinh tế mới nổi ở khu vực, trong đó có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi là Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh nội lực, đồng thời kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, trong đó có Thái Lan.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, từ 5,78 tỷ USD năm 2009 tăng lên 9,41 tỷ USD năm 2013, 11,5 tỷ USD năm 2015 và 12,5 tỷ USD năm 2016. Tính đến hết tháng 4/2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan cũng đạt được những kết quả khả quan. Chính sách khuyến khích và mở rộng đầu tư của Chính phủ hai nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư giữa hai bên được đẩy mạnh. Thái Lan là một trong những quốc gia có quan hệ hợp tác đầu tư với Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện Thái Lan đứng thứ 10/116 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 458 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thương nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Một số dự án đầu tư lớn của Thái Lan vào Việt Nam như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giấy Kraft Vina. Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại Thái Lan, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, đồ dùng gia đình, du lịch, phần mềm máy tính…

Thúc đẩy hợp tác sâu rộng

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, Việt Nam và Thái Lan còn triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa, du lịch.

Hai bên tích cực đẩy mạnh trao đổi đoàn; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tội phạm môi trường; khởi động đàm phán Hiệp định Dẫn độ; triển khai cơ chế Đối thoại Cấp cao lần thứ nhất về Phòng chống tội phạm và Hợp tác an ninh. Hai bên thúc đẩy hợp tác không quân, hải quân, tuần tra chung trên biển…

Sự tương đồng về văn hóa, xã hội là cơ sở thuận lợi để Việt Nam và Thái Lan tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Ngày Thái Lan tại Việt Nam” và “Hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan tại Việt Nam”. Đặc biệt, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Na-khom Pha-nom được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 3 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Hợp tác du lịch Việt Nam – Thái Lan thời gian qua được chú trọng trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Với nhiều lợi thế như vị trí địa lý gần, đường bay thuận tiện, hai bên miễn thị thực song phương, Việt Nam và Thái Lan nằm trong nhóm 12 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đứng thứ 10 trong số các nước có du khách đến Việt Nam và đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Với du khách Việt Nam, Thái Lan là một trong những điểm đến ưa thích. Hằng năm, cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp hai nước thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện được tổ chức tại hai nước nhằm thúc đẩy lượng khách trao đổi…

Hai nước đang tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm; tăng cường hợp tác phòng chống bệnh dịch trong thủy sản và chăn nuôi; xem xét việc hợp tác về giá gạo, cao su; xúc tiến ký mới Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp thay thế Bản Ghi nhớ đã ký năm 2003 để phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển mới.

Hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Lào, Campuchia nhằm thúc đẩy mở tuyến xe khách nối Thái Lan – Lào – Việt Nam và tuyến vận tải đường thủy ven biển nối Thái Lan – Campuchia – Việt Nam trong thời gian tới. Hợp tác giữa các địa phương hai nước diễn ra sôi nổi. Hiện đã có 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan, gần đây nhất là việc ký kết hợp tác giữa tỉnh Long An và tỉnh Trat (7/2015); tỉnh Kon Tum và tỉnh Udon Ratchathani (7/2015); tỉnh Thừa Thiên – Huế với Bangkok (7/2016).

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ cùng thảo luận, đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua; thống nhất phương hướng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác ngày càng sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu