Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 13:47 (GMT +7)
Tiết lộ chấn động về quyết định nã tên lửa vào Syria của Tổng thống Mỹ
Thứ 2, 26/06/2017 | 16:15:00 [GMT +7] A A
Mặc cho tình báo Mỹ xác nhận họ không có bằng chứng cho thấy Syria sử dụng chất độc sarin tấn công thị trấn Khan Sheikhoun, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ngó lơ và ra lệnh nã tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Shayrat.
Tàu khu trục USS Ross (DDG 71) phóng tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Syria ngày 7/4. Ảnh: Reuters |
Thông tin trên được phóng viên điều tra Seymour Hersh từng giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer tiết lộ trong bài viết trên báo Die Welt (Đức) xuất bản hôm 25/6.
Nhà báo Seymour Hersh cho rằng Tổng thống Donald Trump đã bị truyền thông dắt mũi. Tổng thống Donald Trump chọn cách phớt lờ các thông tin mà tình báo cũng như quân đội Mỹ thu thập được. Những thông tin này hoàn toàn trái ngược với tin tức được đưa dày đặc trên các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ, rằng chính Syria đã sử dụng khí sarin để giết hại dân thường trong cuộc không kích thị trấn Khan Sheikhoun vào tháng 4 vừa qua.
Thay vì nghe theo giới tình báo, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh quân đội chuẩn bị phương án để phản ứng trước cuộc tấn công.
Cuối cùng, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã nhắm thẳng vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria.
Một quan chức Mỹ nói với các đồng nghiệp sau khi biết về quyết định phóng tên lửa của ông Trump: “Không thể hiểu được. Chúng ta biết rằng không có vụ tấn công hóa học nào cả… Người Nga đang tức giận. Chúng ta có tin tình báo thật sự và biết được sự thật… Tôi đoán rằng điều đó chẳng có nghĩa lý gì cho dù chúng ta có chọn bà Clinton hay ông Trump”.
Bài viết của nhà báo Hersh dựa trên các bài phỏng vấn ông thực hiện với một vài cố vấn Mỹ và bằng chứng họ cung cấp, bao gồm các bản ghi chép đối thoại trực tiếp ngay sau khi xảy ra vụ tấn công thị trấn Syria hôm 4/4.
Theo các cố vấn, lực lượng không quân Syria đã tấn công vào thị trấn Khan Sheikhoun khi các thủ lĩnh cấp cao của các nhóm phiến quân, bao gồm Ahrar al-Sham và Mặt trận Al-Nusra, đang họp.
Thông tin về vụ không kích đã được thông báo trước cho Mỹ vì đây là một phần trong thỏa thuận ngăn ngừa xung đột với Nga tại Syria. Việc chia sẻ thông tin hai chiều diễn ra ngay tại Syria vào thời điểm trên giúp các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu và quân chính phủ Syria tránh các vụ va chạm khi thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời.
Nhà báo Hersh dẫn lời một cố vấn Mỹ cấp cao nói: “Họ đã chơi đúng luật”. Tuy nhiên cũng theo lời cố vấn này, việc Nga cho Syria dùng bom có điều khiển là một động thái hiếm gặp và nó báo hiệu cho các sĩ quan hoạt động trong khu vực, từ Quân đội, Lính thủy đánh bộ, Không quân, CIA, NSA đang có một điều gì đó xảy ra.
Nhà báo khẳng định Mỹ biết rõ sẽ có vụ tấn công Khan Sheikhoun và Syria không lên kế hoạch sử dụng khí sarin, còn Tổng thống Trump chỉ muốn dội bom Syria mà thôi.
Trong bài viết này, nhà báo Hersh mô tả mục tiêu mà không quân Syria dội bom là một tòa nhà 2 tầng. Theo tình báo Nga, các tay súng phiến quân đã sử dụng tầng hai của tòa nhà này làm trung tâm điều khiển và chỉ huy, trong khi tầng 1 vẫn là cửa hàng buôn bán. Tầng hầm là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược, hàng hóa, bao gồm các chất hóa học phân bón có chứa chlorine.
Cũng theo bản đánh giá của Mỹ về vụ tấn công sáng hôm đó, quả bom nặng 226 kg của Nga gây ra vụ nổ thứ hai. Sức nổ đốt nóng các sản phấm hóa học dưới tầng hầm, tạo ra đám mây khí độc hại bao trùm cả thị trấn.
Kịch bản trên đồng nhất với lời kể của các nạn nhân ngửi thấy mùi chlorine khi trả lời tổ chức Bác sĩ không biên giới. Mặc dù các triệu chứng các nạn nhân mắc phải giống như khi nhiễm độc sarin song nó cũng có thể là kết quả của việc trúng độc từ các chất có trong phân bón, thuốc trừ sâu.
Trong khi đó, tình báo Mỹ không hề có bằng chứng chứng minh có sự xuất hiện của khí sarin ở gần căn cứ Shayrat – nơi xuất kích các máy bay trong vụ không kích thị trấn.
Nhà báo Hersh trích dẫn một nguồn tin giải thích: “Đó không phải là một cuộc tấn công vũ khí hóa học. Điều đó thật hoang đường. Nếu sự thật là như vậy, thì tất cả mọi người làm nhiệm vụ vận chuyển thứ vũ khí đó, được ngụy trang giống một quả bom thông thường, sẽ phải mặc quần áo bảo hộ Hazmat đề phòng trường hợp bị rò rỉ… Khí sarin không mùi, không nhìn thấy được và gây ra cái chết chỉ trong vòng 1 phút, không tạo ra đám mây…”.
Khi nhìn thấy ảnh những đứa trẻ bị trúng độc phát trên TV, Tổng thống Trump ngay lập tức tin lời của nhóm phiến quân, rằng người đồng cấp Syria Bashar al-Assad đã triển khai vụ tấn công bằng khí sarin.
Một cố vấn cho biết: “Không ai có thể chứng thực nguồn gốc các bức ảnh. Chúng tôi không biết những đứa trẻ đó là ai và chúng bị thương như thế nào. Chúng ta biết có đám mây khí phát ra và làm thương mọi người. Nhưng bạn không thể kết luận ngay quân ông Assad giấu sarin vì muốn sử dụng chúng ở Khan Sheikhoun. Tổng thống nhìn thấy những bức hình cô bé bị nhiễm độc và nói ngay đó là tội ác của ông Assad. Đó là tính cách thường thấy ở con người. Bạn kết luận điều mà bạn muốn. Phân tích tình báo không thể tranh luận với Tổng thống”.
Thậm chí bài viết còn hé lộ chi tiết tại buổi họp an ninh quốc gia ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 6/4. Khi đó, Tổng thống Trump còn đề xuất 4 phương án đáp trả lại sự kiện Syria, từ việc không làm gì cho đến kế hoạch ám sát Tổng thống Assad. Cuối cùng Tổng thống Mỹ đã chọn nã tên lửa vào căn cứ không quân Syria.
Theo nhà báo Hersh, trong số 100 tờ báo hàng đầu nước Mỹ, có đến 39 tòa soạn ủng hộ quyết định tấn công căn cứ Syria, bao gồm tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal. Phát thanh viên Brian Williams của kênh truyền hình MSNBC mô tả cảnh phóng tên lửa Tomahawk “đẹp tuyệt vời” trong khi người dẫn chương trình CNN Fareed Zakaria ca ngợi ông Trump cuối cùng đã trở thành “Tổng thống nước Mỹ”.
Năm ngày sau, Nhà Trắng báo cáo trước truyền thông về hoạt động và phản ứng của Mỹ trước lời khẳng định từ phía Nga rằng Syria không sử dụng khí độc sarin. Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định vụ tấn công thị trấn là một vụ tấn công hóa học, tuy nhiên không đưa ra bất kỳ báo cáo tình báo chính thức nào về sự việc.
Ý kiến ()