Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 11:20 (GMT +7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Italy trong chuyến công du bận rộn
Thứ 4, 24/05/2017 | 17:05:00 [GMT +7] A A
VOV.VN-Rời Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 bắt đầu chuyến công du tới Italy, điểm dừng chân thứ 3 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Tối 23/5, máy bay chở ông Trump đã hạ cánh xuống sân bay Leonardo da Vinci ở thủ đô Rome, Italy. Rời sân bay, đoàn xe gồm 50 chiếc chở Tổng thống Mỹ và phái đoàn đã tới đại sứ quán Mỹ để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một lịch trình mới tại Italy.
Một điều có thể nhận thấy là an ninh đã được thắt chặt tại nhiều con phố trung tâm của thủ đô Rome khi đoàn xe đi qua. Dinh Tổng thống Italy, Tòa thánh Vatican, khu vực đại sứ quán Mỹ và nơi ở của đại sứ Mỹ ở Italy đã bị phong tỏa để đảm bảo an ninh. Cảnh sát cũng đã được tăng cường để đảm bảo không có gì bất trắc xảy ra.
Trong ngày hôm nay (24/5), Tổng thống Mỹ sẽ có buổi thuyết trình trước công chúng cùng Giáo hoàng Francis ở Vatican.
Theo đánh giá của giới truyền thông, cuộc gặp lần đầu tiên này với Giáo hoàng Francis, được xem là “vô cùng khó khăn” với Tổng thống Mỹ khi cả hai người từng bộc lộ quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập trong nhiều vấn đề lớn của thế giới, từ biến đổi khí hậu, vấn đề Hồi giáo, cho đến quyền của người tị nạn. Năm ngoái, trong một tranh cãi công khai, Tổng thống Donald Trump và Giáo hoàng Francis đã có lời qua tiếng lại gay gắt khi nói về kế hoạch xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico của ông Trump.
Sau cuộc gặp với Giáo hoàng, ông Trump cũng sẽ có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Paolo Gentiloni. Với một lịch trình dày đặc trong những ngày kế tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chỉ dành chưa đầy 24 giờ tại Italy trước khi lên đường tới Bỉ để gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và người đứng đầu các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại Bỉ, nguồn tin ngoại giao cho biết, giới chức Liên minh châu Âu và NATO cũng đã chuẩn bị chu đáo để đón tiếp ông Trump.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ cùng giới chức NATO cắt băng khai trương trụ sở mới của NATO tại Bỉ với trị giá 1,1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) cũng như dự lễ kết nạp Montenegro trở thành thành viên mới của tổ chức này, trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên có sự tham dự của ông Trump ở thành phố Brussels vào ngày mai (25/5).
Ông Trump dự kiến cũng sẽ khánh thành một đài tưởng niệm loạt vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ ngay tại lối vào trụ sở mới của NATO.
Trong cuộc vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump đã khiến giới lãnh đạo NATO không khỏi lo ngại khi ông mô tả liên minh Mỹ-NATO là “lỗi thời”. Tuy nhiên vào tháng trước, ông đã thay đổi bình luận trên với tuyên bố rằng NATO thực tế “không còn lỗi thời nữa”.
Những nhận xét trái chiều của ông Trump chỉ trong một thời gian ngắn đã gây ra sự khó hiểu trong NATO. Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Donald Trump với giới lãnh đạo NATO được xem là cơ hội để hai bên hiểu rõ lập trường của nhau.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền Mỹ của ông Trump sẽ có đường lối hoạch định ổn định và chắc chắn hơn để chúng tôi có thể dễ dàng hợp tác”, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Piere Vimont nhận xét. “Tôi có cảm giác là chính quyền Mỹ hiện nay đang bị mắc kẹt trong những vấn đề nội bộ. Điều này mang lại cho chúng tôi ấn tượng về sự không chắc chắn và không tích cực về mọi thứ đang xảy ra.”
Rời Bỉ, Tổng thống Donald Trump sẽ quay trở lại Italy để tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia công nghiệp G7 trên đảo Sicily trong hai ngày 26-27/5 tới. Hội nghị G7 dự kiến sẽ tập trung thảo luận về nền kinh tế thế giới liên quan tới tình trạng gia tăng bảo hộ thương mại hiện nay, cũng như các vấn đề an ninh khác của thế giới.
Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng ông Trump sẽ có lập trường rõ ràng về nhiều vấn đề hiện nay, từ bảo hộ thương mại, khủng hoảng người tị nạn, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa quyết định là liệu có tiếp tục theo đuổi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 hay không. Điều này khiến ông đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, vốn xem Mỹ là quốc gia then chốt cho việc hạn chế phát thải khí nhà kính và hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu./.
Hồng Nhung/VOV-Trung tâm Tin
Ý kiến ()