Hôm qua (13/6), tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emanuelle Macron có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May tập trung thảo luận vào hai vấn đề chống khủng bố, nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu Brexit. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Theresa May diễn ra trong bối cảnh Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà đang nỗ lực thành lập một Chính phủ Liên minh mới sau cuộc bầu cử Quốc hội được cho là không thành công ngày 8/6 vừa qua.
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Điện Elysee, khi được hỏi về vấn đề Brexit, Tổng thống Emanuelle Macron khẳng định, EU luôn mong muốn nước Anh thay đổi quyết định về Brexit: “Dĩ nhiên cánh cửa luôn để mở chừng nào cuộc đàm phán về Brexit chưa kết thúc. Tuy nhiên người dân Anh đã lựa chọn rời EU và tôi tôn trong quyết định thể hiện chủ quyền đó. Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, khi tiến trình Brexit bắt đầu việc đảo ngược sẽ khó khăn hơn rất nhiều” .
Tổng thống Macron đồng thời khẳng định, thời điểm bắt đầu đàm phán rời Brexit là một bước ngoặt quan trọng và chính quyền củaông luôn muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Vương quốc Anh trong tương lai.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May tái xác nhận kế hoạch duy trì lịch trình đàm phán Brexit, bất chấp các cuộc thương lượng về thành lập chính phủ đang diễn ra ở Anh. Khi được hỏi liệu việc đánh mất đa số quá bán trong Quốc hội có khiến bà thay đổi quyết định rút Anh hỏi thị trường đơn nhất của EU và liên minh thuế quan, hay còn gọi là “Brexit cứng”.
Thủ tướng Anh nói: “Tôi cho rằng có một sự thống nhất về mục đích của người dân Anh. Đó là sự nhất trí bỏ phiếu rời EU để chính phủ tiếp quản và thực hiện thành công. Chúng tôi cam kết sẽ dẫn dắt tiến trình để có một quan hệ đối tác đặc biệt với EU. Chúng tôi muốn EU tiếp tục duy trì sức mạnh và muốn phát triển quan hệ đối tác sâu rộng, đặc biệt liên quan đến vấn đề thương mại với EU. An ninh cũng là một vấn đề hợp tác quan trong tương lai”.
Về vấn đề chống khủng bố cực đoan, hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã công bố kế hoạch hành động chung về đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan trên mạng internet, theo đó hướng tới tăng cường sức ép các tập đoàn internet và mạng xã hội ngăn chặn các bài phát biểu thù hận và tuyên truyền của khủng bố. Kế hoạch này cũng xem xét đặt ra các luật mới để trừng phạt các tập đoàn công nghệ không tuân thủ yêu cầu hành động này./.
Ý kiến ()