Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 22:52 (GMT +7)
Triều Tiên tố Mỹ – Hàn chuẩn bị chiến tranh, Trung Quốc chịu sức ép
Thứ 4, 12/07/2017 | 10:52:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Sau vụ thử tên lửa liên lục địa, Triều Tiên tố Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị chiến tranh, còn Trung Quốc nói một số nước đùn đẩy trách nhiệm sang họ.
Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi đầu tháng 7, Hàn Quốc và Mỹ đã có những động thái mà Triều Tiên cho là đang chuẩn bị chiến tranh. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng một số nước đang đổ dầu vào lửa nhưng luôn đá quả bóng trách nhiệm cho Trung Quốc.
Song song với việc lên kế hoạch trừng phạt Triều Tiên mạnh tay hơn, hôm 11/7, Mỹ tuyên bố thử thành công Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung ở Thái Bình Dương gần Hawaii và Alaska, khu vực quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ ra tuyên bố Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối được bố trí gần Kodiak, Alaska, đã đánh chặn thành công mục tiêu tên lửa đạn đạo được phóng từ phía Bắc Hawaii. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, việc thử nghiệm thành công đã thúc đẩy năng lực phòng thủ của Mỹ, đồng thời góp phần mở rộng cấu trúc răn đe chiến lược của Mỹ.
Mặc dù đã được lên kế hoạch nhiều tháng trước song vụ thử phòng thủ tên lửa lần này của Mỹ mang nhiều thông điệp sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Phản ứng trước các động thái này, Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đang tăng cường công tác chuẩn bị chiến tranh.
Tờ nhật báo Minju Joson của Triều Tiên bình luận: Bộ Quốc phòng Mỹ, do lo ngại Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, nên đã vạch ra kịch bản một cuộc tấn công quân sự, như điều chiến đấu cơ và tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Truyền thông Triều Tiên cũng cáo buộc Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận tên lửa đạn đạo chung với các lực lượng Mỹ “nhằm cố ý làm gia tăng căng thẳng” đồng thời cho rằng “việc kêu gọi đối thoại” là vô nghĩa một khi Hàn Quốc không chấm dứt chính sách đối đầu với Bình Nhưỡng.
Trước đó, Triều Tiên cũng chỉ trích chuyến thăm gần đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ, cho rằng đây là hành động “phục tùng” Mỹ, đồng nghĩa với hành động “phản bội” những cử tri ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Trung Quốc “phản pháo”
Trước những hành động đổ thêm dầu vào tình hình vốn đã rất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hôm 11/7 bằng ngôn từ mãnh mẽ khác thường, Trung Quốc đã phản pháo trước lời kêu gọi lặp đi lặp lại của một số nước về Trung Quốc phải có “nghĩa vụ” gia tăng sức ép với Triều Tiên.
Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy có thái độ, ngôn từ hòa giải hơn, nhưng vẫn tỏ ra mất kiên nhẫn khi cho rằng Trung Quốc (quốc gia có quan hệ kinh tế, ngoại giao gần gũi với Triều Tiên) chưa hành động đủ để kiềm chế Triều Tiên.
Trung Quốc cho rằng cần chấm dứt cái gọi là “thuyết đổ trách nhiệm cho Trung Quốc”, bởi tất cả các bên cần vận dụng sức mạnh và khả năng của mình chứ không riêng gì Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc không gây căng thẳng, do vậy giải pháp không nằm ở Trung Quốc.
Ông Cảnh Sảng nói: “Gần đây một vài người, khi nói về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã thổi phồng vấn đề, luôn nêu bật cái gọi là thuyết trách nhiệm Trung Quốc. Tôi nghĩ điều này chứng tỏ sự thiếu kiến thức đầy đủ và chuẩn xác về vấn đề, vừa bộc lộ những động cơ thầm kín bên trong cũng như tìm cách đá quả bóng trách nhiệm.
Trong thời gian dài, Trung Quốc đã cố gắng không ngừng nghỉ và đã đóng vai trò xây dựng. Có thể thấy, sự đóng góp của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tìm giải pháp cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên là điều mà tất cả ai cũng có thể nhận thấy”.
Trái với cuộc chiến ngôn từ và những hoạt động quân sự đang được đẩy lên, các nỗ lực ngoại giao, đối thoại ở thời điểm này mới đang được nhen nhóm.
Hôm 11/7 tại Singapore, các đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên đã bắt đầu Hội nghị không chính thức về vấn đề Triều Tiên, dưới tên gọi Diễn đàn Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á.
Với sự tham dự của các quan chức Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ, diễn đàn trao đổi quan điểm về tình hình an ninh hiện nay trong khu vực và các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy lòng tin chiến lược. Triều Tiên không tham dự sự kiện này nên kết quả đối thoại chắc chắn sẽ bị hạn chế./.
Tổng hợp
Ý kiến ()