Thứ Tư, 22/01/2025 20:48 (GMT +7)

Vấn đề tên lửa Triều Tiên: Các bên chia rẽ, Mỹ kiên quyết mạnh tay

Thứ 7, 08/07/2017 | 11:33:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Bất chấp những tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Mỹ lên tiếng cảnh báo sẽ mạnh tay trừng phạt.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 6/7 nhất trí tăng cường hợp tác để thúc đẩy một nghị quyết trừng phạt cứng rắn hơn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa gần đây nhất của nước này.

van de ten lua trieu tien cac ben chia re my kien quyet manh tay hinh 1
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

Trong khi đó, Nga, trong một động thái được cho là bất ngờ, đã lên tiếng phản đối Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố kêu gọi áp đặt những biện pháp mạnh tay với Bình Nhưỡng.

Chính sự chia rẽ trong vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng bởi các hành động đơn phương của các bên liên quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/7 cam kết gia tăng sức ép lên Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tại cuộc gặp 3 bên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Hamburg, Đức, 3 nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật – Hàn kêu gọi Trung Quốc thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật – Hàn cũng đề cập đến vai trò quan trọng của Nga trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Các lãnh đạo này cũng cho biết sẽ đi đầu trong các nỗ lực nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ của G20 tới Triều Tiên.

Trái với lập trường cứng rắn kể trên, Nga lại tỏ ra không mấy đồng tình với cách xử trí vấn đề Triều Tiên thông qua những toan tính dùng vũ lực hay gây sức ép bằng các biện pháp trừng phạt.

Nga cũng phản đối chi tiết cho rằng “Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa” đề cập trong tuyên bố dự thảo mới nhất do Mỹ đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thông qua trong đó có đề cập tới việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn trong trường hợp Triều Tiên tiến hành thử tên lửa hoặc hạt nhân.

Mặc dù khẳng định không ngăn chặn tuyên bố nói trên nhưng phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc cho rằng Mỹ phải có sự “chỉnh sửa thích hợp đối với văn bản này”, bởi Nga không thể nhất trí rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là một tên lửa xuyên lục địa. Dựa vào hệ thống theo dõi của Nga, Bộ Quốc phòng nước này tin rằng đây chỉ là một tên lửa tầm trung.

Trước đó một ngày, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov nhận định rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp giải quyết vấn đề, cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo cớ để thực hiện một giải pháp quân sự đều là điều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường cho khu vực.

Vị quan chức này đồng thời khẳng định thêm rằng, những nỗ lực nhằm “bóp nghẹt” kinh tế của Triều Tiên đều là không thể chấp nhận được khi hàng triệu người dân nước này đang rất cần viện trợ nhân đạo. Phía Trung Quốc dường như cũng đồng tình với quan điểm này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Là một nước láng giềng, Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ thương mại bình thường với Triều Tiên. Tôi muốn nhắc lại rằng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc rõ ràng không có ý định có tác động tiêu cực lên đời sống cũng như những nhu cầu nhân đạo thiết yếu của người dân”.

Chính sự bất đồng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới này khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trở nên rối ren hơn.

Hội đồng Bảo an đang chia rẽ sâu sắc trong việc làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian tới. Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 5/7 lâm vào bế tắc khi các thành viên thường trực chủ chốt lại tiếp tục có những quan điểm trái chiều về vấn đề Triều Tiên.

Các Đại sứ Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết mới có tính ràng buộc nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong khi đại diện của Nga và Trung Quốc một mực phản đối việc tăng cường bao vây kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

Rõ ràng, trong khi các bên vẫn loay hoay chưa tìm được tiếng nói chung và phương án xử trí vấn đề một cách nhất quán, thì bán đảo Triều Tiên lại vừa tiếp tục nóng lên với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi quả quyết sẽ đối đầu với Triều Tiên một cách mạnh mẽ sau vụ phóng thử nghiệm tên lửa vừa qua của nước này. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời thúc giục các quốc gia khác cho Bình Nhưỡng thấy hậu quả của việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên theo giới phân tích, một khi Mỹ tấn công Triều Tiên, hai bên rất dễ leo thang xung đột lớn và khi đó sẽ khó có điểm dừng. Nhiều khả năng giải pháp quân sự đưa ra vào thời điểm này sẽ là hạ sách bởi lẽ khi bị đưa vào thế “bị dồn vào chân tường”, Triều Tiên chắc hẳn cũng sẽ trả đũa bằng sức mạnh hạt nhân và khi đó hậu quả sẽ là khôn lường cho toàn thế giới./.

Phương Anh/VOV-Trung tâm TinTổng hợp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu