Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến thăm Nhật Bản dự Hội nghị G7 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết cảm nhận và ý nghĩa của việc lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị lớn như G7 mở rộng? Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp gì, thưa Thứ trưởng?
TT NG Bùi Thanh Sơn: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của G7, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của Nhật Bản và các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bức thư mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự cũng như trong các phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần khẳng định, “Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế”. Việc Nhật Bản và các nước G7 lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng còn thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vai trò và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế như phấn đấu đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tăng cường liên kết kinh tế, xử lý tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, phát triển lưu vực sông Mê Công, và xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.
Những nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng cơ bản phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam. Hội nghị không chỉ là dịp để ta giới thiệu đường lối đối ngoại, hình ảnh đất nước, kêu gọi sự hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm đóng góp giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Sự tham gia thực chất và mang tính xây dựng của Việt Nam được Hội nghị và nước chủ nhà Nhật Bản đánh giá cao.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị với chủ đề “Ổn định và thịnh vượng ở châu Á”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ các đề xuất của Nhật Bản trong chương trình nghị sự của Hội nghị và đưa ra những đóng góp quan trọng vào các nội dung thảo luận tại Hội nghị, đặc biệt là liên kết kinh tế, biến đổi khí hậu và hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Cụ thể, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến mà Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nhóm những người bạn của Hạ nguồn Mekong đã thúc đẩy để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực như mở rộng sáng kiến “Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao”, sáng kiến “Kết nối Mekong – Nhật Bản” và Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững (SIP).
Với tư cách là một nước chịu ảnh hưởng tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thể hiện vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, dù còn nhiều khó khăn nhưng với nguồn lực khiêm tốn và kinh nghiệm hợp tác Nam – Nam và ba bên của mình, Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển với những nước kém phát triển hơn tại châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh cũng như tham gia nhiều hơn vào Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cũng chia sẻ quan ngại chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trước các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kêu gọi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các nước G7 và G7 mở rộng, các tổ chức quốc tế hàng đầu trong khu vực và thế giới để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm. Tại các cuộc trao đổi song phương, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đổi mới, cải cách kinh tế và đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và được các đối tác ủng hộ việc tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021; ủng hộ Việt Nam, ASEAN và nỗ lực chung của khu vực và thế giới trong đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không và môi trường ổn định, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
TT NG Bùi Thanh Sơn: Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, và là Lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Điều này là minh chứng mới cho mối quan hệ đang phát triển rất tốt đẹp giữa hai nước. Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện đường lối nhất quán của ta, coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật.
Có thể thấy Nhật Bản hết sức coi trọng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Nhật Bản. Mặc dù bận tiếp đón nhiều đoàn Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn dành sự đón tiếp trọng thị, với nghi lễ đón chính thức cùng nhiều cử chỉ lễ tân vượt thông lệ khác đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như sau: Một là, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước.
Hai là, hai bên nhất trí trao đổi để thống nhất các biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA, trước mắt sẽ tập trung triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á, sáng kiến kết nối Mekong – Nhật Bản, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như Đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt – Nhật và Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt – Nhật trong năm 2016 nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hai Thủ tướng đã chứng kiến việc trao năm văn kiện ký kết giữa các bộ ngành và cơ quan hai nước, trong đó có bốn văn kiện về vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD) và Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Hàng không ANA Holdings Inc của Nhật Bản.
Ba là, hai bên đã đạt kết quả nổi bật về hợp tác ứng phó với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn. Thủ tướng Abe đã tuyên bố Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khoản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 300 triệu Yên (khoảng 2,5 triệu USD) để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam và khẳng định Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng này, trong đó có hỗ trợ Việt Nam và các nước quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Bốn là, hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, y tế và giao lưu nhân dân. Năm là, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ về các vấn cùng quan tâm tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN, APEC, ASEM và Liên hợp quốc. Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông, nhất trí về lập trường giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được các nước ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng./.
Ý kiến ()