Thứ Sáu, 17/01/2025 20:57 (GMT +7)

20 năm Đà Nẵng khởi sắc

Thứ 5, 29/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sau 20 năm được chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng thật sự trở thành một đô thị có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước.

Từ ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Qua 20 năm xây dựng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung tay góp sức, đoàn kết một lòng, đồng thuận, sáng tạo để xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị cấp quốc gia với diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại.

Cầu Rồng – cây cầu mang tính biểu tượng của thành phố Đà Nẵng đẹp hiện đại và thanh bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16/10/2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, qua đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính – viễn thông, tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.

20 năm qua, kinh tế của thành phố duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển. Sau 20 năm, thành phố Đà Nẵng thật sự trở thành một đô thị có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước. Kinh tế hằng năm có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, mức tăng trưởng nhanh hơn ở mức 2 con số, bước vào nhóm các thành phố đang phát triển có mức thu nhập khá. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, một số lĩnh vực, một số mặt đã có vị trí cao so với cả nước.

Tốc độ tăng trưởng của thành phố thời kỳ 1997 – 2005 là 10,61%, từ 2006 – 2010 là 11,13%, do suy thoái kinh tế chung, tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2010 – 2015 còn 9,71%/năm nhưng vẫn đạt tỷ lệ cao hơn so với bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản giảm.

Kim ngạch xuất khẩu tăng dần đều qua các năm: Năm 1997 là 155 triệu USD, năm 2010 là 634 triệu USD đến năm 2015 đạt 1.295 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 1997 là 6.353 tỷ đồng, đến năm 2010 là 34.104 tỷ đồng và đến năm 2015 là 72.500 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 1997 – 2010 liên tục đạt và vượt dự toán, năm 1997 là 1.164,4 tỷ đồng, năm 2010 là 17.755,9 tỷ đồng, đến năm 2014 tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 20.092 tỷ đồng và năm 2015 là 21.426,9 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng dần qua từng năm với mức tăng bình quân là 9,4%/năm.

Những năm gần đây, Đà Nẵng có bước phát triển đột phá về du lịch, từng bước khẳng định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình.

1997 chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng, đến nay thành phố đã có hầu hết các thương hiệu lớn như: InterContinental Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury… Các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng ngày càng đa dạng và có sức hấp dẫn, trở thành điểm đến thu hút khách. Điển hình là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, các khu nghỉ dưỡng biển…

Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân thành phố và các địa phương lân cận; đặc biệt là góp phần phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chế biến thủy sản trên nhiều lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mới, phương thức quản lý…

Các dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, tư vấn, bưu chính, viễn thông, y tế… phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, du lịch, đời sống và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống ngân hàng được mở rộng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Hạ tầng giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông phát triển nhanh, hoạt động vận tải phát triển khá, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá – xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Văn Sơn (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu