Thứ Bảy, 08/02/2025 19:31 (GMT +7)

4 bước trong việc xử lý ao cá trước hiện tượng các tra chết tại huyện Tân Hưng

Thứ 3, 14/08/2018 | 15:36:00 [GMT +7] A  A

Trước tình hình các ao cá tra giống tại huyện Tân Hưng bị nhiễm bệnh, khiến cho 80% diện tích bị thiệt hại từ 10 đến 30%, cá biệt có một số ao cá chết đến 100%. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người nuôi cá trong giai đoạn trước mắt, Trung tâm Khuyến nông Long An khuyến cáo các bước xử lý ao bị nhiễm bệnh như sau:

Mật độ thả cá dầy đặc như thế này cũng là 1 trong những nguyên nhân gây bệnh cho cá

Bước 1, tạm ngưng cho ăn 2 – 3 ngày; tập trung xử lý để cải thiện môi trường nước trong ao nuôi, nhất là xử lý nước ao bằng các chế phẩm có hoạt chất chứa Yucca, các chế phẩm sinh học,… Kết hợp xử lý với việc siphon đáy hay thay nước tầng đáy.

Nên bón vôi khắp các bờ ao trước và sau khi mưa. Kiểm tra các thông số môi trường nhất là độ pH. Nếu pH < 7 thì hòa vôi nông nghiệp (CaCO3) với nước tạt trực tiếp xuống ao mỗi lần từ 10 – 15 kg/1.000m2. Xử lý cho đến khi kiểm tra pH đạt từ 7,5 -8,0.

Trường hợp cá bị nổi đầu đồng loạt do thiếu oxy thì tạt Yucca xuống ao với liều lượng gấp hai lần so với hướng dẫn của nhà sản xuất, kết hợp rãi Oxygen dạng viên với thay nước tầng đáy.

Bước 2, sau đó dùng nhóm diệt khuẩn mạnh như BKC, các sản phẩm chuyên diệt kí sinh, diệt nấm tạt liên tục 2 ngày vào buổi sáng với liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Bước 3, khi thấy cá hoạt động nhanh, giảm bệnh có thể trộn các loại kháng sinh được phép sử dụng vào thức ăn với liều lượng 7-10 gram/kg thức ăn. Không nên sử dụng bừa bãi kháng sinh nguyên liệu, không có đăng ký chất lượng. Lưu ý khi trộn thuốc kháng sinh điều trị thì giảm 50-70% lượng thức ăn và cho ăn liên tục 3 – 5 ngày.

Bước 4, khi cá khỏe thì tăng dần lượng thức ăn, nên bổ sung thêm thuốc bổ như vitamin C, men tiêu hóa và các hoạt chất thảo dược để giải độc gan.

Lưu ý: trong suốt quá trình nuôi thường xuyên sử dụng men vi sinh xử lý nước và đáy ao nuôi, đồng thời bổ sung các loại thuốc bổ kể trên vào thức ăn để giúp cá phát triển tốt.

Tuyệt đối không để xác cá chết trên bờ ao hoặc thải trực tiếp ra kênh rạch tự nhiên như thế này

Vì sự phát triển lâu dài của nghề ương nuôi cá tra và bảo vệ môi trường chung, người nuôi tuyệt đối không để xác cá chết trên bờ ao hoặc thải trực tiếp ra kênh rạch tự nhiên mà nên chủ động vớt xác cá bệnh, cách ly xa ao và đào hố xử lý bằng vôi càng long (CaO) kết hợp với Chlorine rãi trong và xung quanh miệng hố. Đối với các ao cá đã nhiễm bệnh, sau thu hoạch cần vệ sinh, diệt khuẩn mạnh và phơi ao cách ly tối thiểu 1 tháng mới có thể tiếp tục vụ nuôi mới.

Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và ương cá tra nói riêng, việc điều trị khi cá phát bệnh thường kém hiệu quả, do đó, người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chủ yếu.

Trên đây là những khuyến cáo hướng dẫn phương pháp xử lý tình trạng nhiễm bệnh trên cá tra ương tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An trong giai đoạn hiện nay.

Võ Văn Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu