Thứ Sáu, 01/11/2024 15:36 (GMT +7)

Agribank chủ lực đầu tư nguồn vốn tái canh cây cà phê

Thứ 6, 04/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Là Ngân hàng Thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho vay lĩnh vực này hiện chiếm 73%/tổng dư nợ, đạt 487.453 tỷ đồng, nguồn vốn của Agribank thực sự góp phần quan trọng vào thành công chung các Chương trình trọng điểm của Chính phủ, trong đó có Chương trình tái canh cà phê.

Thực hiện đúng cam kết

Ở Việt Nam, Tây Nguyên được coi là thủ phủ của cà phê, tuy nhiên phần nhiều diện tích cà phê ở khu vực này đang bị già hóa cần được tái canh, ghép cải tạo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Theo Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020 cần trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 120.000 ha, trong đó tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Cụ thể: Lâm Đồng 45.600 ha (tái canh 22.600 ha, ghép cải tạo 23.000 ha), Đăk Lăk 29.600 ha (tái canh 27.600 ha, ghép cải tạo 2.000 ha), Đăk Nông 24.500 ha (tái canh 22.000 ha, ghép cải tạo 2.500 ha), Gia Lai 17.800 ha (tái canh 15.300 ha, ghép cải tạo 2.500 ha), Kon Tum tái canh 2.500 ha.

Ngân hàng Agribank cho vay đầu tư tái canh cà phê tại Tây Nguyên đạt trên 710 tỷ đồng.

Vào cuộc cùng chính quyền địa phương và người dân tìm lối ra cho cây cà phê già cỗi, trong khi các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên chưa quan tâm nhiều, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013, Agribank đã ký Biên bản ghi nhớ và hợp đồng tín dụng nguyên tắc với UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, xây dựng phương án kế hoạch đầu tư vốn cho tái canh cây cà phê già cỗi. Cụ thể, với UBND tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk, Agribank ký biên bản ghi nhớ cam kết tài trợ vốn cho chương trình trồng mới, chăm sóc, tái canh cây cà phê của địa phương. Với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Agribank ký hợp đồng nguyên tắc về tài trợ tín dụng cho chương trình thu mua – chế biến – xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014, và đầu tư thâm canh, chăm sóc, tái canh cà phê. Lãi suất cho vay đầu tư chăm sóc, tái canh cà phê cũng đã được Agribank ưu ái, thấp hơn lãi suất thông thường từ 1-2%/năm, thời hạn cho vay là 5-7 năm.

Thực hiện cam kết, với trách nhiệm của NHTM chủ lực trong đầu tư tín dụng cho “Tam nông”, đến nay, Agribank cho vay đầu tư tái canh cà phê tại Tây Nguyên đạt trên 710 tỷ đồng, số diện tích cà phê đã tái canh đạt 8.305 ha. Trong đó nổi bật lên vai trò của Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đối với Chương trình này. Là NHTM chiếm 30% thị phần, đóng vai trò chi phối, dẫn dắt các NHTM khác trong thực thi chính sách tiền tệ, trong gần 03 năm triển khai Chương trình cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng đã giải ngân số tiền gần 700 tỷ đồng cho 5.156 khách hàng với 7.500 ha cà phê đã được đầu tư vốn để tái canh, cải tạo giống cà phê. Trong đó, 123 tỷ đồng đã được giải ngân cho 895 khách hàng để trồng tái canh 1.010 ha; 576 tỷ đồng đã được giải ngân cho 4.261 khách hàng để ghép cải tạo 6.490 ha. Hiện nay dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê tại Agribank Lâm Đồng chiếm 87,7% tổng dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trong suốt thời gian triển khai chương trình, Agribank Lâm Đồng luôn thực hiện đúng theo cam kết, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn để người dân đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.

Nhờ được cung ứng vốn kịp thời, diện tích cà phê tái canh tại các huyện Hòa Ninh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Bảo Lộc và đặc biệt là Di Linh cho năng suất cao, trung bình gần 3 tấn/ha, thậm chí nhiều mô hình chuyển đổi giống cà phê đạt hiệu quả cao, cho năng suất vượt trội đạt 7-8 tấn/ha và thậm chí lên tới 10 tấn/ha, theo như đánh giá của các chuyên gia thì năng suất này thuộc diện cao nhất thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn 2013 – 2015 do UBND tỉnh Lâm Đồng mới tổ chức ngày 25/11/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã đánh giá cao ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp tích cực của Agribank Lâm Đồng trong chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn

Căn cứ Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 được ban hành theo Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT ngày 21/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự thảo Kế hoạch thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng xây dựng mục tiêu đầu tư vốn thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn 2016-2020 là 1.765,5 tỷ đồng để tái canh, cải tạo giống cà phê trên diện tích 16.250 ha, trong đó đầu tư để trồng tái canh là 997,5 tỷ đồng trên diện tích 6.650 ha, đầu tư để ghép cải tạo là 768 tỷ đồng trên diện tích 9.600 ha.

Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, với nhận thức rõ về tầm quan trọng của Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương, Agribank Lâm Đồng xác định đầu tư vốn cho tái canh cà phê là chương trình tín dụng trọng tâm của Chi nhánh trong giai đoạn 2016- 2020; đồng thời tập trung triển khai hiệu quả Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các sản phẩm tín dụng mới của Agribank (Cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ; Cho vay lưu gốc đối với cây cà phê…) nhằm đơn giản thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Mặt khác, tích cực chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình dự án để tăng khả năng cân đối vốn tại chỗ và có điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay…

Từ thực tế tích cực triển khai chương trình tín dụng cho vay tái canh cà phê, với mong muốn chương trình tái canh cà phê đạt hiệu quả cao hơn, phát triển cà phê ổn định, bền vững, Agribank hy vọng thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bảo hiểm nông nghiệp nói chung, trong đó có bảo hiểm đối với ngành hàng cà phê, quỹ bình ổn giá cà phê sẽ được triển khai mạnh mẽ; chuỗi liên kết giá trị cũng sẽ được triển khai tích cực và chặt chẽ hơn. Riêng đối với các địa phương sớm ban hành quy hoạch chi tiết về diện tích tái canh cà phê ở các mức độ luân canh khác nhau; có cơ chế thu hút các nhà đầu tư chế biến tinh cà phê có công nghệ hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cà phê; tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông… giúp người nông dân tiếp thu, ứng dụng đúng các biện pháp thâm canh cho từng giống cà phê, từng vùng sinh thái…

Viết Chung – Website Agribank

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu