Thứ Tư, 23/04/2025 17:10 (GMT +7)

Anh dũng thời chiến, cống hiến thời bình

Thứ 4, 23/04/2025 | 09:37:59 [GMT +7] A  A

Chiến tranh đã qua nửa thế kỷ, đất nước ta đang từng bước vươn mình. Đối với những cựu chiến binh (CCB), thời chiến, họ đoàn kết đánh giặc ngoại xâm; thời bình lại cùng nhau diệt giặc dốt, giặc đói, xây dựng quê hương giàu đẹp. Mấy chục năm qua, tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Ông Đỗ Hữu Thọ (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) có nhiều đóng trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương
Ông Đỗ Hữu Thọ (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) có nhiều đóng trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương

Nặng lòng với công tác khuyến học

Chúng tôi đến ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An gặp ông Đỗ Hữu Thọ. Ông là nguyên Bí thư Đảng ủy xã, con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hoa. Ông tham gia bộ đội lúc 17 tuổi và được kết nạp Đảng 2 năm sau đó. Năm 1970, ông bị thương, địch bắt giam ông tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rồi chuyển đến nhà tù Phú Quốc. Sau khi được trao trả, ông về lại Long An làm công tác quân báo. Trong đời binh nghiệp, ông được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Dũng sĩ diệt Mỹ,...

Ông Thọ kể, những năm mới giải phóng, xã rất nghèo. Đất Thanh Vĩnh Đông 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, năng suất chưa tới 3 tấn/ha. Đường sá không được như bây giờ, người dân đi lại bằng xuồng là chính, mùa nước lên lại càng vất vả hơn. “Đến khi có con đê thì đời sống người dân khởi sắc. Dù còn khó khăn nhưng chẳng là gì so với thời chiến tranh” - ông Thọ nói. Xông pha chiến trường khốc liệt, hơn ai hết, họ hiểu giá trị của hòa bình nên quyết tâm đoàn kết vượt qua gian khó.

Là lãnh đạo xã, ông Thọ quan tâm, sát sao đời sống người dân, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Sau khi về hưu, ông Thọ cũng năng nổ trong phong trào Hội CCB. Nguồn vốn xoay vòng của CCB ấp Xuân Hòa 2 được thành lập với hơn 20 thành viên tham gia. Mỗi năm, hội viên đóng tiền, CCB nào gặp khó khăn thì ưu tiên rút trước. Số tiền tuy không nhiều nhưng hỗ trợ kịp thời cho các CCB gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Hội CCB xã nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đến nay, toàn xã không còn hội viên CCB nghèo, cận nghèo, đời sống ngày càng nâng cao.

Không chỉ vậy, ông còn hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Ngày trước, xã còn nghèo, nhiều em không có điều kiện đến trường hoặc phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã, ông Thọ không nề hà gian khó, tích cực vận động học sinh đến lớp, kết hợp nhà trường vận động kinh phí hỗ trợ học sinh nghèo,... Mỗi năm, các em học sinh được hỗ trợ từ 200-300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khuyến học xã và nhà trường vận động xã hội hóa. Đến nay, xã không còn học sinh bỏ học, trình độ dân trí ngày càng nâng cao.

Tuy đã về hưu nhưng ông Thọ vẫn nặng lòng với công tác khuyến học. Mỗi năm, nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ông vận động 15 phần quà tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2010, ông được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Xông pha, không nề gian khó

Đến ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, hỏi ông Chín Ninh ai cũng biết bởi ông rất có uy tín ở địa phương. Năm 1962, chàng trai trẻ Phan Quốc Ninh mới 17 tuổi đã tình nguyện tham gia cách mạng. Ông công tác ở địa phương đến năm 1965 thì chuyển sang chiến trường Đông Nam Bộ. Cũng trong năm này, ông được kết nạp Đảng.

Ông Chín Ninh kể, đây là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến. Địch tổ chức tấn công nhiều đợt. Chúng phá sạch, đốt sạch, giết sạch, nhiều chỗ chỉ còn là vùng trắng. Thế giặc càng hăng, lòng quân ta càng vững. Dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn nhưng ông và đồng đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của mình; áp dụng chiến lược, chiến thuật đúng đắn, từng bước tiêu diệt địch.

Ông Phan Quốc Ninh (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) là cựu chiến binh tiêu biểu, gương mẫu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương
Ông Phan Quốc Ninh (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) là cựu chiến binh tiêu biểu, gương mẫu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương

Năm 1974, ông Chín Ninh bị thương, chuyển về tuyến sau và gặp được nữ y tá Châu Hồng Điệp. Bà Điệp sinh năm 1948 tại tỉnh Bà Rịa, theo cách mạng từ năm 16 tuổi. Cùng lý tưởng, cùng chiến tuyến, hai người cảm mến, thương rồi nên duyên chồng vợ. Giai đoạn ấy, thế quân ta mạnh như vũ bão, tin thắng trận khắp nơi đưa về làm nức lòng chiến sĩ. Ngày 30/4/1975, đất nước trọn niềm vui.

Ông Chín Ninh kể: “Lúc đó vui không thể tả. Tui ôm súng bắn hết 3 băng đạn để ăn mừng, súng đỏ nòng, tui nhúng nước rồi bắn tiếp”. Niềm vui của ông nhân đôi khi bà Điệp hạ sinh đứa con trai đầu lòng trùng với ngày giải phóng.

Cuối năm 1976, ông bà về lại quê hương. Ông Chín Ninh làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Lạc Tấn; bà Điệp làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Ông Chín Ninh nói lúc đó xã nghèo lắm, mới hòa bình nên ai cũng khổ. Người dân chưa biết sinh kế gì ngoài trồng lúa. Nhưng lúa cũng thất, đám ruộng 4.000m2 của vợ chồng ông mỗi mùa thu hoạch chỉ được vài chục giạ.

Ông Chín Ninh nói: “Hồi đó, tui có một cái ba lô mà sống mười mấy năm trong rừng, có khi nửa tháng không có cơm ăn, phải ăn rau, củ chuối. Trong rừng có nhiều cái chết lắm, đói cũng chết, sốt rét cũng chết, đi lạc cũng chết, nhánh cây khô (do bị rải thuốc hóa học) rớt xuống cũng chết. Gian khổ vậy mà còn vượt qua được thì khó khăn trước mắt có là gì”. Nghĩ vậy, ông bà dốc sức và tràn đầy hy vọng vào tương lai.

Vợ chồng ông Phan Quốc Ninh và bà Châu Hồng Điệp (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) đã cùng chiến đấu, nương tựa, sẻ chia, yêu thương nhau hơn 50 năm
Vợ chồng ông Phan Quốc Ninh và bà Châu Hồng Điệp (ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) đã cùng chiến đấu, nương tựa, sẻ chia, yêu thương nhau hơn 50 năm

Ông vận động người dân đến Đồng Tháp Mười khai hoang, nhờ đó nhiều hộ có 5-7ha đất trồng lúa, nhanh chóng thoát nghèo. Ông đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay tiền nuôi bò, dê, tạo thêm sinh kế để không quá lệ thuộc vào cây lúa. Ngày nay, nhiều hộ duy trì và tăng đàn vật nuôi, vẫn thường nhắc và biết ơn ông Chín Ninh.

Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. “Ngày nào tui cũng xuống ấp để nắm tình hình” - ông Chín Ninh cho biết. Theo Chủ tịch Hội CCB xã Lạc Tấn - Nguyễn Văn Đậm, ông Chín Ninh cương trực, nhiệt tình, mạnh dạn nên rất được dân thương. Nhiều người hễ gặp vấn đề nan giải đều tìm đến ông để nhờ tư vấn, giải quyết.

Với sự góp công không nhỏ của ông, địa phương ngày càng phát triển. Mấy chục năm trước, mỗi ngày, ông phải đi bộ 4-5km đến nơi làm việc, đường sá mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm. Còn hiện tại, quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân nâng cao khiến ông rất vui mừng. Ba người con của ông đều là đảng viên, luôn noi gương cha mẹ. Ông Chín Ninh được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều giấy khen của huyện, xã.

Những CCB mà chúng tôi gặp đều trên dưới tuổi 80. Tuy đã về hưu, mắt mờ, chân yếu nhưng tinh thần họ vẫn nhiệt huyết, cống hiến trong khả năng của mình. Họ không ngừng theo dõi tình hình đất nước, địa phương, vững tin vào tương lai tốt đẹp của dân tộc./.

Châu Thanh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu